Giáo viên nghỉ dạy, xuống đường biểu tình rầm rộ ở New Zealand

29/05/2019 19:01 GMT+7

Hàng chục ngàn giáo viên nghỉ dạy tham gia cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử ngành giáo dục New Zealand.

Tờ The Guardian đưa tin hơn 50.000 giáo viên tiểu học và trung học ở New Zealand đổ xuống đường biểu tình vào ngày 29.5 đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.
Kể từ khi chính phủ của liên minh Công đảng nắm quyền vào cuối năm 2017, giáo viên nước này đã tổ chức 3 cuộc biểu tình đòi tăng lương, cải thiện điều kiện giảng dạy và kêu gọi chính phủ có biện pháp giúp nghề giáo được xem trọng.
Tuy nhiên, sự kiện ngày 29.5 được xem là cuộc “đại biểu tình” với số người tham gia đông chưa từng thấy. Những người biểu tình đến nay đã 3 lần bác bỏ đề nghị của chính phủ về việc tăng lương 3% và yêu cầu tăng 15%.
Trong khi đó, chính phủ cho biết không đủ ngân sách để tăng theo mức yêu cầu. Giáo viên tiểu học Khali Oliveira tại Auckland cho biết biểu tình là lựa chọn sau cùng. Cô giáo này có thâm niên 20 năm cho biết sẽ nghỉ dạy và chuyển sang trường tư nếu chính phủ không đáp ứng các yêu cầu.
Hơn 700.000 học sinh bị ảnh hưởng do tình trạng giáo viên đình công, buộc nhiều cha mẹ phải nghỉ làm để ở nhà trông con hoặc đưa con đến nơi làm việc.
Đại diện hội giáo chức sau tiểu học Jack Boyle cho biết ông rất thất vọng vì đối thoại với chính phủ vẫn bế tắc.
Bà Lynda Stuart, chủ tịch hiệp hội NZEI Te Riu Roa, đại diện cho các giáo viên tiểu học, cũng cho biết tình trạng đang “khủng hoảng”. Giáo viên buộc phải dạy quá nhiều học sinh, cũng như công việc hỗ trợ, tư vấn trở nên quá tải, trong khi không đủ ngân sách hỗ trợ các em có nhu cầu đặc biệt.
“Các giáo viên đã lên tiếng, họ muốn chính phủ tìm giải pháp ngay. Con cái của chúng ta không thể chờ đợi và các giáo viên cũng vậy”, bà Stuart nói.
“Đề xuất của chính phủ chưa đáp ứng các vấn đề mà nghề giáo đang đối diện. Mọi chuyện sẽ không chuyển biến và khủng hoảng ngành giáo dục ngày càng trầm trọng”, theo bà Stuart.
Chính phủ buộc phải tuyển giáo viên từ Anh và Úc để đối phó với tình trạng thiếu hụt. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn thiếu giáo viên và hiệu trưởng buộc phải tham gia giảng dạy. Một số trường thậm chí năn nỉ giáo viên về hưu quay lại đứng lớp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.