Giáo viên nói gì về áp lực nghề nghiệp?

17/11/2022 17:32 GMT+7

Tại buổi tọa đàm 'Tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo' diễn ra vào chiều ngày 17.11, giáo viên và hiệu trưởng nhiều trường phổ thông đã chia sẻ về áp lực của nghề giáo hiện nay.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), chia sẻ tại buổi tọa đàm

NLD

Ngày 17.11, trong khuôn khổ lễ trao giải cuộc thi viết Người Thầy kính yêu, báo Người lao động đã tổ chức tọa đàm "Tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo" với khách mời là đại diện cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục và đào tạo, chuyên gia về giáo dục cùng một số giáo viên tiêu biểu.

Chia sẻ mở đầu tại buổi tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM), cho biết đã đứng lớp được 23 năm và thời gian công tác của cô đi qua 2 thế kỷ 20 và 21 với một sự đổi mới mạnh mẽ ở chương trình giáo dục phổ thông. Khi nói về áp lực của giáo viên hiện nay, tiến sĩ Hiền cho rằng giáo viên chịu áp lực rất nhiều về thời gian với những việc không tên, với những thủ tục về hồ sơ giáo án thuộc về quy chế nên chưa thể toàn tâm toàn ý vào chuyên môn.

Ngoài ra, đời sống của nhà giáo cũng còn nhiều khó khăn. "Ai hạnh phúc thì được chồng nuôi, vợ nuôi, gia đình nuôi chứ đồng lương của giáo viên là không đủ sống. Đặc biệt những giáo viên không phải là môn học “chính” rất khó có cơ hội cải thiện thu nhập”, cô Thu Hiền nói.

Từ những áp lực trong công việc, dư luận xã hội, phụ huynh học sinh... mỗi người phải tự tìm giải pháp để thoát ra. "Bao nhiêu nhọc nhằn khó khăn, giáo viên phải chịu đựng, nhẫn nhịn một cách âm thầm. Bản thân tôi phải tự động viên mình, tìm kiếm niềm vui từ thành công của học sinh. Dù khó khăn, tôi luôn cảm ơn nghề. Luôn tri ân những thầy cô giáo đã rèn luyện tôi được như hôm nay", giáo viên của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ nói.

Cuộc thi viết Người Thầy kính yêu do báo Người lao động khởi động từ đầu tháng 8 và qua hơn 3 tháng, ban tổ chức đã nhận được gần 400 bài dự thi của các tác giả từ mọi miền đất nước cũng như kiều bào gửi bài tham dự. Sau vòng sơ tuyển, ban tổ chức chọn 18 bài vào chung khảo để chấm và trao thưởng cho 6 tác phẩm đạt giải cao nhất. Trong đó giải nhất với phần thưởng trị giá 30 triệu đồng thuộc về tác giả Trần Thị Rồng với tác phẩm Nỗi nhớ thầy, cô khắc sâu như tạc; Giải nhì trị giá 20 triệu đồng trao cho tác giả Trương Quang Hiệp với tác phẩm Lặng thầm ngăn dòng nước mắt. Ngoài ra, ban tổ chức trao 2 giải ba trị giá 15 triệu đồng/giải và 2 giải khuyến khích trị giá 7 triệu đồng/giải.

Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập báo Người lao động nhận xét, nhìn chung, thành phần tác giả dự thi đa dạng và phong phú. Song tất cả đều có một điểm chung đó là hồi tưởng về thầy, cô của mình trong quá khứ hoặc kể chuyện về những "người đưa đò" đương thời bằng sự kính trọng, bằng những kỷ niệm, câu chuyện, hành động chân thực, sâu sắc, hữu ích. Qua đó làm toát lên tấm gương những nhà giáo mẫu mực về nhân cách, yêu nghề và giỏi nghề, tận tụy với sự nghiệp trồng người.

Là một giáo viên trẻ, sau 5 năm gắn bó với học sinh tiểu học, cô Nguyễn Minh Nghĩa, Trường tiểu học Nguyễn Thị Định (Q.7, TP.HCM) cho biết: “Mình may mắn vì những điều được nhận trong quá trình còn học đại học và công tác. Nghề giáo đã khiến tôi hạnh phúc và mang đến cho tôi nhiều nguồn năng lực tích cực”. Bên cạnh đó, theo cô Minh Nghĩa, những tiêu cực còn tồn tại là điều không thể phủ nhận. Các trường nên có những buổi nói chuyện giữa giáo viên và phụ huynh giúp phụ huynh hiểu hơn về ngành để cùng chung tay phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước. “Nhưng dù công việc vất vả không có thời gian nghỉ ngơi nhưng lúc nào giáo viên cũng phải tràn ngập năng lực thì mới mang năng lực tích cực cho học sinh”, cô Nghĩa chia sẻ.

Ở góc độ quản lý trường phổ thông, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), nói rằng: “Trải qua hết những cung bậc của người học trò, giáo viên đến người quản lý, tôi tâm niệm những gì khó khăn trong cuộc đời mình thì giáo viên dạy học sinh không được phép lặp lại. Khi lên làm quản lý, tôi đặt quyền lợi của thầy cô lên trên hết và mong thầy cô đặt quyền lợi học sinh lên trên hết. Như vậy ngôi trường mới là gia đình chứ không phải là tổ chức quyền lực”.

Ông Phú cho rằng: “Hiện nay, nhiều giáo viên nói về áp lực. Nhưng tôi nghĩ áp lực do mỗi người và văn hóa người đứng đầu rất quan trọng. Hiệu trưởng hạnh phúc, vui vẻ, không áp lực thì thầy cô mới không thấy áp lực”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.