Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có điểm mới là "học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép. Đồng thời, giáo viên không còn bị cấm sử dụng điện thoại di động khi đang dạy trên lớp”.
Quy định thể hiện tư duy mở
Là giáo viên đã cho học sinh được dùng điện thoại trong các tiết học lịch sử từ 2 năm nay, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Nguyễn Du (Q.3), nói rằng công cụ ứng dụng CNTT bao giờ cũng có tính 2 mặt và phải có quy định cụ thể, rõ ràng và đặc biệt các hình thức giảng dạy ứng dụng cần thể hiện mục đích cụ thể chứ không mang tính hình thức. Chẳng hạn điện thoại được sử dụng để thảo luận, làm việc nhóm, làm bài kiểm tra... chứ không phải lúc nào cũng sử dụng
Giáo viên Phạm Lê Thanh, Trường THCS- THPT Tân Phú (TP.HCM), nói rằng: Đây là tư duy mở, mang tính thời đại trong việc tối ưu hóa ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học của thầy trò trong thời đại nhịp sống số. Điện thoại di động, smartphone là công cụ mà đa phần học sinh nào cũng có, đây là công cụ giúp hoạt động dạy học tối ưu hơn, học sinh cập nhật các thông tin mới, thời sự, hoặc tài liệu tham khảo một cách nhanh chóng, thuận lợi trong từng tiết học. Đặc biệt khi thao tác làm bài trắc nghiệm trên ứng dụng tích hợp vào điện thoại được học sinh làm nhiều lần, giúp các em thích ứng với xu hướng đổi mới phương thức thi THPT quốc gia trên máy tính sắp tới của Bộ đề xuất.
Biến điện thoại thành công cụ học tập
Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả công cụ điện thoại di động trong giờ học thay vì trước đây là "cấm", các em vẫn "lén sử dụng" thì giáo viên Phạm Lê Thanh cho rằng thầy và trò cần có những buổi tập huấn, trao đổi thống nhất về những quy định để các em học sinh sử dụng điện thoại thông minh một cách khoa học, đúng với từ "thông minh" trong việc học và hoạt động nhóm, ... thì việc này sẽ đem lại nhiều khả quan.
Tương tự, một giáo viên dạy môn tự nhiên tại Trường THPT Ngô Quyền (Q.7, TP.HCM) cũng nói: “Những thông tin về tính ứng dụng hoặc tính thời đại trong SGK, đặc biệt ở môn KHTN như hóa, lý, sinh dường như là thiếu sót, chưa có hoặc chưa kịp cập nhật vì sách đã ban hành trước đó rất lâu. Để tự làm mới mình, thầy và trò phải cập nhật tính thời sự, tính mới về ứng dụng bởi các phương tiện thông tin truyền thông, internet. Khi đó, chiếc điện thoại di động thông minh mà các em đang sở hữu sẽ tỏ ra hiệu quả”.
Hay ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng thừa nhận, việc cấm sử dụng điện thoại trong thời đại công nghệ hiện đại nghe có vẻ lỗi thời. Nhưng để biến điện thoại thành công cụ học tập hữu ích thì cần có một sự đồng bộ tương thích từ quy tắc ứng xử, văn hoá sử dụng, chương trình và các hoạt động giáo dục.
Ông Linh cũng cho hay, để quy định này thể hiện tính ưu việt, đúng đắn thì các trường bắt đầu tổ chức cho học sinh những buổi sinh hoạt kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh và xây dựng các hoạt động giáo dục mà trong đó thể hiện được tính tích cực khi sử dụng điện thoại. Để khi đó, học sinh thấy điện thoại không chỉ để liên lạc, giải trí mà còn phục vụ mục đích học tập một cách hiệu quả.
Ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5, TP.HCM), cho hay chúng ta phải xác định rằng quy định cho học sinh dùng điện thoại ở góc độ hướng đến mục đích là thay đổi phương pháp học tập, đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá để tạo hứng thú học tập đối với học sinh, chứ không phải quy định đó đơn thuần là phục vụ cho việc các em tự do, thoải mái sử dụng trong nhà trường.
Và để quy định học sinh được dùng điện thoại trong trường tạo ra hiệu quả thì mỗi nhà trường xây dựng quy chế thực hiện, mỗi giáo viên chủ động và đề xuất những phương thức tổ chức tiết dạy có dành thời gian cho học sinh sử dụng thiết bị này thích hợp và tạo hứng thú trong học tập.
Bình luận (0)