Chiều 7.8, ông Bùi Hồng Quý, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết đơn đăng ký tiếp công dân của bà Nguyễn Thị Hoa Anh (giáo viên Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh,TP.Buôn Ma Thuột), người quỳ gối đưa đơn khiếu nại lên lãnh đạo tỉnh, và những nội dung liên quan đến sự việc theo đúng quy định của pháp luật
Trước đó, sáng 6.8, bà Anh đến trụ sở UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu được gặp người có trách nhiệm để đưa đơn đăng ký tiếp công dân, sau đó quỳ gối trước sân để mong gặp lãnh đạo UBND tỉnh. Một lúc sau, có người từ trong trụ sở ra nhận đơn và thuyết phục bà Anh ra về. Vụ việc được một người đi cùng bà Anh quay clip, đưa lên mạng xã hội.
Cô giáo nói điều động là không đúng
Bà Nguyễn Thị Hoa Anh cho biết trong 1 năm qua, bà làm đơn khiếu nại nhiều lần nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng việc điều chuyển công tác của mình.
Ngày 23.8.2018, bà Anh nhận được quyết định số 5426/QĐ- UBND, ngày 17.8.2018 của Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột về việc điều động viên chức giáo dục, theo đó điều động bà từ Trường Tiểu học Võ Thị Sáu sang Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh. Lý do nêu trong quyết định: “Điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu.”
Theo bà Anh, lý do “điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu” là không đúng sự thật; vì tại thời điểm điều chuyển, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (nơi bà đang giảng dạy) đang thiếu giáo viên, cô phó hiệu trưởng vừa phải làm công tác quản lý vừa phải kiêm thêm việc dạy lớp.
Bà Anh cho biết ngày 26.6.2017, UBND P.Tân Thành kiểm tra nhà riêng của bà rồi lập biên bản “dạy thêm học thêm”; sau đó, UBND TP.Buôn Ma Thuột quy cho bà vi phạm quy định dạy thêm, học thêm là thiếu căn cứ và không khách quan. Về việc này, bà Anh lý giải: “Thời gian nghỉ hè anh chị em trong gia đình, bạn bè, xóm làng chỉ nhờ tôi vừa trông con nhỏ của tôi, vừa giúp con họ ôn bài để họ yên tâm đi làm. Tôi chỉ bày cho con cháu học, cũng không thu một đồng học phí sao phạt tôi vi phạm dạy thêm?”.
“Như vậy, dựa vào việc quy cho tôi có dạy thêm, học thêm để làm căn cứ điều động buộc tôi phải chuyển công tác từ Trường Tiểu học Võ Thị Sáu sang trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh như giải thích của văn bản số 3593/UBND-VP ngày 22.10.2018 của UBND TP.Buôn Ma Thuột là có vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật về viên chức”, bà Anh nói.
UBND TP.Buôn Ma Thuột cho rằng đã làm “có lý có tình”
Trao đổi về sự việc liên quan khiếu nại của bà Nguyễn Thị Hoa Anh, ông Vũ Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột, cho biết cuối tháng 1.2019, TP đã có kết luận cuối cùng việc giải quyết đơn của bà Anh. “Cho đến nay, UBND TP vẫn giữ nguyên quyết định điều chuyển cô Anh về giảng dạy tại Trường Đinh Bộ Lĩnh, không có sự thay đổi”, ông Hưng khẳng định.
Lý giải về quyết định này, ông Hưng cho rằng UBND TP.Buôn Ma Thuột đã căn cứ luật Viên chức 2010, và quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk về quy định phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, theo đó việc điều chuyển công tác đối với bà Anh thuộc thẩm quyền của UBND TP.Buôn Ma Thuột. Ông Hưng cũng cho rằng thời điểm điều chuyển cô Anh, Trường tiểu học Võ Thị Sáu còn lại 67 cán bộ, giáo viên, trong đó có 3 cán bộ quản lý, 45 giáo viên tiểu học/44 lớp, nên không thiếu giáo viên như bà Anh nói.
“Trước khi xử lý sự việc vi phạm quy định dạy thêm, học thêm của cô giáo Anh (theo biên bản và tờ trình của UBND P.Tân Thành), thành phố đã chỉ đạo tuyên truyền đến các trường học, tổ chức cho giáo viên ký cam kết không dạy thêm, học thêm. Đồng thời nêu rõ quy định người nào vi phạm sẽ có hình thức xử lý kỷ luật hoặc điều chuyển công tác”, ông Hưng giải thích.
Theo ông Hưng, việc điều chuyển cô giáo Anh đến Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh là “có lý, có tình”. “Chúng tôi cũng đã thuyết phục, vận động cô Anh chấp hành việc điều chuyển, sau một thời gian công tác, UBND TP sẽ xem xét, điều chuyển trở lại trường cũ nhưng cô cứ làm đơn khiếu nại không đúng khắp nơi”, ông Hưng nói.
Cần cân nhắc cả lý và tình
Theo luật sư Minh Thuận, Đoàn luật sư TP.HCM, để phân định việc này theo luật thì còn rất nhiều vấn đề phải xem xét. Công chức, viên chức có chịu sự điều động của cơ quan quản lý ? Mỗi ngành lại có một đặc thù riêng.
Còn nguyên một lãnh đạo cấp sở GD-ĐT đánh giá việc này có thể phù hợp về lý nhưng có nhiều điểm chưa phù hợp về tình. Trong ngành giáo dục có chủ trương điều chuyển giáo viên nhưng việc điều chuyển thông thường có sự cân nhắc hoàn cảnh của giáo viên. Chẳng hạn như hoàn cảnh gia đỉnh, sự cống hiến... Theo thông tin, giáo viên này cũng đã đi dạy tại vùng sâu, vùng xa trước đó thì không nên bố trí lại một lần nữa. Việc bố trí điều chuyển trong ngành giáo dục cần cân nhắc cả lý và tình để đối xử với giáo viên cho phù hợp
Đăng Nguyên
|
Gia đình khó khăn
Trong đơn bày tỏ nguyện vọng trở lại trường cũ để gần nhà hơn, cô giáo Nguyện Thị Hoa Anh nêu hoàn cảnh: “Gia đình tôi thuộc diện chính sách, cha mẹ tôi đều tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cha tôi là thương binh loại A, thương tật hạng 4/4, đã đóng góp một phần thân thể cho đất nước. Hiện nay, gia đình tôi lại đang hết sức khó khăn. Chồng tôi không có việc làm. Cả gia đình tôi bây giờ 5 người chỉ dựa vào một đồng lương eo hẹp của tôi. Ba đứa con đang tuổi ăn học, hiện nay cả 2 cháu đang học đại học, và một cháu nhỏ mới hơn 3 tuổi. Sức khỏe của tôi sau khi sinh cháu cũng rất yếu. Cũng vì điều kiện không có nên cháu thứ 3 cũng bị suy dinh dưỡng ốm đau liên tục đang cần sự chăm sóc của mẹ”.
Trung Chuyên
|
Bình luận (0)