Giáo viên sẽ được tuyển dụng theo quy định mới ra sao?

19/01/2020 12:53 GMT+7

UBND cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên theo quy định chung. Hợp đồng đặt hàng phải căn cứ trên cơ sở nhu cầu giáo viên theo từng năm của địa phương.

Quy định về tuyển dụng giáo viên là một trong các nội dung đáng chú ý của dự thảo Nghị định Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm vừa được Chính phủ vừa ban hành.
Nghị định này áp dụng với học sinh, sinh viên theo học ngành đào tạo giáo viên tại các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, trung cấp. Nghị định này không áp dụng đối với học sinh, sinh viên sư phạm đào tạo theo chế độ cử tuyển, đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, đào tạo theo địa chỉ, học viên cao học, nghiên cứu sinh.

Tuyển dụng theo đặt hàng của địa phương

Theo dự thảo này, hằng năm các địa phương căn cứ vào tình trạng thừa, thiếu giáo viên, xác định nhu cầu và xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên chi tiết cho từng bộ môn. UBND cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên theo quy định chung. Hợp đồng đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên giữa địa phương với các cơ sở đào tạo giáo viên phải căn cứ trên cơ sở nhu cầu và kế hoạch đào tạo giáo viên theo từng năm của địa phương.
Đáng chú ý, căn cứ vào nhu cầu sử dụng giáo viên tại địa phương, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể cơ chế tuyển dụng học sinh, sinh viên sư phạm tốt nghiệp theo quy định của pháp luật để tuyển dụng công chức, viên chức và người lao động làm việc trong ngành giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Cụ thể, UBND cấp tỉnh (cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ) có trách nhiệm quy định cụ thể cơ chế tuyển dụng học sinh, sinh viên sư phạm tốt nghiệp theo quy định của Nghị định này.

Sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng

Nghị định này quy định bãi bỏ quy định học sinh, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí theo Nghị định số 86/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
Đồng thời dự thảo đưa ra quy định mới về việc người học sư phạm được hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng bên cạnh học phí.
Theo đó, nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, học sinh và sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt được áp dụng thống nhất trong năm học và hàng năm được điều chỉnh theo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng thực tế năm trước liền kề với năm học hiện tại do nhà nước công bố.
Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Như vậy, chỉ riêng sinh hoạt phí người học các ngành này sẽ nhận được tối đa 36,3 triệu đồng/năm học.
Người học sư phạm được tuyển sinh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không phải đóng học phí tính theo Nghị định 86/2015.

Phải bồi hoàn nếu không công tác trong ngành

Sau khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục với thời gian tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo (kể từ ngày được tuyển dụng) sẽ không phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.
Nhưng sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp mà không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác trong ngành giáo dục không đủ thời gian theo quy định trên sẽ phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Thời gian phải hoàn trả tối đa bằng thời gian được đào tạo tại cơ sở đào tạo giáo viên.
Trường hợp đang trong thời gian học nhưng bỏ học, chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Nếu bị đình chỉ học tập sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian bị đình chỉ.
Mức tiền bồi hoàn bao gồm kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ, tiền bồi hoàn được nộp vào ngân sách nhà nước.
Cách tính kinh phí bồi hoàn theo công thức sau: S = (F / T1) x (T1 - T2). Trong đó, S là kinh phí hoàn trả; F là khoản học phí và chi phí sinh hoạt được nhà nước hỗ trợ; T1 là tổng thời gian làm việc trong ngành giáo dục theo quy định được tính bằng số tháng làm tròn; T2 là thời gian đã làm việc trong ngành giáo dục được tính bằng số tháng làm tròn.
Mỗi năm, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo danh sách, thông tin cá nhân và kết quả rèn luyện, học tập của học sinh, sinh viên sư phạm cho cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ để có trách nhiệm theo dõi và thu hồi kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt theo quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.