Đại diện Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo Nghị định 71 đã thực hiện được gần 4 năm, giúp tăng đáng kể tỷ lệ giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đạt trình độ chuẩn được đào tạo của cả nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn một số khó khăn liên quan đến phương thức đào tạo, việc mở lớp đào tạo và thực hiện chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non ngoài công lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn được đào tạo.
Do đó, nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 3 chính sách nhằm khắc phục vướng mắc trong quá trình triển khai thực tiễn.
Giáo viên tự bỏ tiền nâng chuẩn sẽ được truy lĩnh?
Một trong những nội dung được quan tâm là kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên.
Dự thảo nêu: kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên (công lập, dân lập, tư thục) do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật; ngân sách T.Ư hỗ trợ địa phương khi chưa cân đối được ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này.
Việc lập dự toán, phân bổ, giao dự toán và thanh toán kinh phí thực hiện cho cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng thực hiện theo quy định của luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Đơn giá thực hiện giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng được xác định bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.
Giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn theo quy định sẽ được thanh toán kinh phí đào tạo bằng mức thu học phí theo hóa đơn của cơ sở đào tạo sau khi được cấp bằng tốt nghiệp. Việc thanh toán kinh phí đào tạo thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục bảo đảm kinh phí để chi trả các chế độ cho giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn.
Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng cho biết, dự thảo bổ sung quy định thanh toán học phí đào tạo cho những giáo viên (thuộc đối tượng được đào tạo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP) đã tự đi học và được cấp bằng kể từ ngày 1.7.2020. Như vậy, giáo viên tự bỏ tiền đi học nâng chuẩn sẽ được truy lĩnh nếu quy định trên được ban hành.
Giáo viên được chọn cơ sở đào tạo nâng chuẩn
Dự thảo cũng bỏ phương thức đấu thầu, giữ lại phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng cơ sở đào tạo theo kế hoạch được phê duyệt. Bổ sung quy định giáo viên được chủ động lựa chọn, đăng ký học nâng trình độ chuẩn trực tiếp với cơ sở đào tạo công lập khi ngành hoặc chuyên ngành mà giáo viên đăng ký đào tạo không đủ điều kiện để địa phương mở lớp theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.
Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn phải được sự đồng ý bằng văn bản của hiệu trưởng hoặc giám đốc cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác và báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở giáo dục.
Bổ sung quy định trong thời gian thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo, những giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp được hưởng chính sách theo quy định tại điều 10 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, dự thảo nghị định còn sửa đổi, bổ sung một số quy định khác có liên quan và để bảo đảm thực hiện đồng bộ với những nội dung sửa đổi nêu trên.
Vì sao nhiều giáo viên phải nâng chuẩn?
Tính đến hết năm học 2023 - 2024, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo luật Giáo dục 2019 của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non là 89,3%, cấp tiểu học là 89,9%, THCS 93,8%, THPT 99,9%. So với năm học 2022 - 2023, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở cấp mầm non tăng thêm 1,9%, cấp tiểu học tăng thêm 5,5%, cấp THCS tăng thêm 2,9%.
Luật Giáo dục năm 2005 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm; giáo viên THCS có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm...
Tuy nhiên, luật Giáo dục 2019, trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo được nâng lên đáng kể với quy định: "Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT. Trường hợp môn học còn thiếu thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm". Đối với giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo này sẽ được tham gia lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định.
Bình luận (0)