Giáo viên tiếng Anh: 'Sự thật là câu đó có 2 đáp án đúng!'

03/07/2023 18:46 GMT+7

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án là B với câu hỏi tiếng Anh gây tranh cãi, nhiều giáo viên tiếng Anh tỏ ra bất bình. Một thầy giáo 5 lần đạt 9.0 IELTS khẳng định: "Sự thật là câu đó có 2 đáp án đúng!".

Như Báo Thanh Niên phản ánh, đầu giờ chiều nay 3.7, Bộ GD-ĐT đã công bố đáp án các đề thi trắc nghiệm, bao gồm môn tiếng Anh

Đáp án của Bộ GD-ĐT với câu hỏi tiếng Anh gây tranh luận mấy ngày qua là B (distinctive). Trong khi đó, theo dư luận giáo viên tiếng Anh, câu hỏi này có 2 đáp án là B và C (comparative), và đáp án C lỗi sai dễ thấy hơn.

Giáo viên tiếng Anh: 'Sự thật là câu đó có hai đáp án đúng!' - Ảnh 1.

Với câu hỏi này, Bộ GD-ĐT khẳng định đáp án là B, trong khi các giáo viên tiếng Anh cho rằng ở đáp án C lỗi sai hiển nhiên, dễ nhận ra hơn

NGỌC LONG

Người đi thi không có nghĩa vụ cảm thông với người ra đề

Trao đổi với Báo Thanh Niên sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án, thầy Luyện Quang Kiên (Hà Nội), người 5 lần đạt 9.0 IELTS (và là người đầu tiên đạt 9.0 với cả 4 kỹ năng IELTS bao gồm nghe, nói, đọc, viết), đã bày tỏ sự bất bình: "Sự thật là câu đó có 2 đáp án đúng!".

Theo thầy Kiên, việc Bộ GD-ĐT chọn đáp án B có thể hiểu được nếu nhìn nhận từ góc độ nguyên tắc của người ra đề. Khi ra đề, người ra đề có mục tiêu là kiểm tra dựa trên những gì học sinh được học. Ở trình độ học sinh THPT thì việc kiểm tra distinct với distinctive thì hoàn toàn có lý.

Comparative với comparison group thì thường lên đại học mới gặp, hoặc người học hay đọc báo nghiên cứu mới gặp phải. Đúng là không có lý do gì để đưa khái niệm comparative/comparison vào bài thi dành cho học sinh lớp 12, vì nó không phải là một nhóm từ vựng phù hợp dành cho đối tượng người thi này.

Nhưng từ góc độ của những người đi thi, họ không có nghĩa vụ phải hiểu về nguyên tắc thiết kế bài kiểm tra (vì để hiểu được nguyên tắc này cần có nghiệp vụ chuyên biệt). Họ đọc câu hỏi, trong đó yêu cầu chỉ ra lỗi sai, họ thấy lỗi sai và chỉ ra. Nếu họ chỉ ra đúng lỗi sai thì họ nên được điểm. Nếu không chấp nhận đáp án đúng của thí sinh thì đó là một sự bất công.

Thầy Luyện cũng cho biết, trong số học sinh của thầy dự thi môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, tỷ lệ các học sinh giỏi chọn đáp án C cao hơn hẳn, các bạn yếu hơn thì thường chọn B. Cá nhân thầy sau khi đọc đề, thoạt tiên đã hơi lấn cấn với distinctive from, nhưng rồi chọn comparative ngay vì biết chắc chắn không có khái niệm này trong nghiên cứu khoa học.

"Vì thế, sự bất công của đáp án mà Bộ GD-ĐT lại nhằm vào số học sinh giỏi hơn, vì các bạn giỏi hơn ấy sẽ bị mất điểm vì đã chọn C thay vì chọn B", thầy Luyện nhận xét.

Câu tiếng Anh gây tranh cãi- Bộ công bố đáp án, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn!2

Ngoài ra, câu mà đề thi trích dẫn để hỏi thí sinh còn có lỗi về dấu câu trong câu. Viết đúng nguyên tắc của mệnh đề tính từ trong tiếng Anh phải là: "Their pioneering research showed that the learning motivation of the two groups of learners was quite distinctive from each other, and the comparative group, whose learning motivation was stronger, performed better than the control group".

"Lỗi trong thiết kế câu hỏi đến từ bộ phận ra đề là hoàn toàn rõ ràng. Do đó, để công bằng cho các thí sinh thì Bộ GD-ĐT nên chấp nhận cả 2 đáp án. Đây là kỳ thi quan trọng có thể ảnh hưởng đến tương lai của rất nhiều bạn trẻ, đôi khi một câu như vậy thôi là quyết định đỗ hay trượt một trường nào đó và có thể rẽ nhánh cả cuộc đời các bạn ấy", thầy Luyện bình luận.

Cần ghi nhận cho những thí sinh đã chỉ ra đúng từ bị sai

Thầy Phạm Gia Bảo, một giáo viên tiếng Anh chuyên dạy luyện thi IELTS ở Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội), cũng nhận định ở trình độ THPT thì khả năng cao là các em học sinh mới chỉ được học kiến thức ở câu B về từ distinctive và distinct. Còn từ comparison group là từ vựng có phần hơi chuyên môn, thường khi học lên cao hơn (ví dụ như ở bậc đại học), hoặc lúc làm nghiên cứu nhiều thì mới gặp.

Nhưng Bộ GD-ĐT cho rằng chọn đáp án B là để phù hợp với trình độ học sinh THPT thì hơi dở. Bởi thực tế là câu C cũng sai rất rõ ràng, không thể nói là vì học sinh chưa được học không tính đến.

Thầy Bảo cũng cho biết, qua trao đổi với các bạn nước ngoài dùng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ cho thấy, họ hay dùng sai lỗi ở phần B (distinct với distinctive) nhiều hơn ở phần C (comparative với comparison). Bởi vì từ vựng ở đáp án B hàng ngày dùng nhiều nên người ta sai nhiều, ở một mức độ nào đó có thể coi là "đúng" (nghĩa là dùng distinct hay dùng distinctive, với người dân bản xứ đều thấy chấp nhận được).

Còn phần C thì toàn dùng ở bậc đại học nên lại ít khi bị dùng sai hơn. Nghĩa là lỗi sai comparative với comparison sẽ dễ nhận ra hơn, nó hiển thị cái sai hiển nhiên hơn là distinct với distinctive. Thế nên, nếu xét về góc độ "tỷ lệ dùng sai" thì B vốn bị dùng sai nhiều hơn C. Với những em học sinh hay xem phim có ngôn ngữ tiếng Anh, tiếp xúc nhiều với tiếng Anh, sẽ cảm thấy không có vấn đề gì với B, và chọn C là từ bị viết sai, là rất hợp lý.

"Nhưng mà tranh luận về tính đúng sai, so đo câu nào đúng hơn, sai hơn thì thực sự là lằng nhằng không cần thiết. Bởi vì thực tế là đề thi yêu cầu các em chọn câu sai. Cả 2 đáp án có sai, sai rất rõ ràng là đằng khác. Những em nào đã chọn được đúng cái sai, dù bất kỳ cái sai nào, thì phải ghi nhận cho các em. Bộ phận ra đề đã có lỗi rồi thì nên nghiêm túc nhận lỗi và xử lý khéo léo để đảm bảo quyền lợi cho các em", thầy Bảo bình luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.