Giáo viên tiểu học: 'Chương trình không nặng; dạy thêm, học thêm vì bệnh thành tích'

14/05/2024 14:11 GMT+7

Một giáo viên đang dạy tại một trường tiểu học tại TP.HCM nói thẳng thắn như vậy. Đây cũng là giáo viên chủ nhiệm không đi dạy thêm bất cứ một lớp học thêm nào, từ ngày vào ngành giáo dục hơn 10 năm nay.

Cha mẹ đến đón trẻ tiểu học từ một trung tâm học thêm buổi tối

Cha mẹ đến đón trẻ tiểu học từ một trung tâm học thêm buổi tối

NHẬT THỊNH

Phụ huynh hỏi tôi "sao cô không dạy thêm?"

Giáo viên tiểu học đang dạy lớp 4, công tác tại một trường ở nội thành, TP.HCM cho biết khi phụ huynh biết cô không dạy thêm đã tới hỏi trực tiếp: "Sao cô không dạy thêm, tôi cho cháu đi học?". "Tôi rất ngạc nhiên, bởi điều 4, Thông tư 17 năm 2012 của Bộ GD-ĐT nêu rõ "không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Giáo viên cũng không được phép dạy thêm chính học sinh mà mình đang dạy trên trường. Vậy mà bây giờ điều bình thường là tôi không dạy thêm lại trở thành điều rất ngạc nhiên của phụ huynh. Phải chăng bây giờ ai cũng dạy thêm, học thêm, nên số ít mà làm đúng quy định thì cũng thành lẻ loi?", nữ giáo viên chia sẻ.

Phóng viên Báo Thanh Niên đặt vấn đề "nhiều phụ huynh phản ánh Chương trình GDPT 2018 của tiểu học rất nặng, không học thêm thì không hiểu bài, không theo kịp chương trình. Là một giáo viên trực tiếp dạy học, đang dạy lớp 4, Chương trình GDPT 2018 thì cô nói gì?". Nữ giáo viên nói thẳng: "Chương trình không nặng như phụ huynh phản ánh. Nó nằm trong khả năng tiếp thu của học sinh. Chỉ cần chăm chỉ học tập ở trên lớp, hoàn thành các nhiệm vụ học tập, ôn tập kiểm tra đánh giá của học sinh thì không khó để học sinh được đánh giá "đạt".

Nhiều giáo viên, phụ huynh mắc "bệnh thành tích"

Vậy vì sao học sinh tiểu học vẫn phải sấp ngửa tới các lớp học thêm, nhiều em phải chạy sô học thêm hết lớp này tới lớp khác? Bên cạnh các lý do như phụ huynh bất khả kháng như muốn có chỗ giữ con, gửi con ngoài giờ vì công việc mưu sinh, nữ giáo viên tiểu học này đưa ra các nguyên nhân sau.

Thứ nhất, bệnh thành tích từ phụ huynh, phụ huynh muốn con phải hoàn hảo, môn nào cũng phải điểm 9, điểm 10. Phụ huynh không chấp nhận việc con có thể có môn này được 7, môn kia được 8 mà muốn tất cả các môn của con phải 9, 10 hoặc phải là học sinh xuất sắc, đứng đầu lớp càng tốt. Một đứa trẻ sẽ không thể nào mọi kỹ năng, năng khiếu đều hoàn hảo, sẽ có em mạnh môn này, môn khác kém hơn, nhưng phụ huynh có mục tiêu cao hơn. Do đó, buộc đứa trẻ phải đi học thêm.

Thứ hai, bệnh thành tích từ chính các giáo viên. Ở cuộc họp cuối năm, giáo viên chủ nhiệm lớp nào có học sinh phải kiểm tra lại thì giáo viên đó sẽ bị giảm điểm thi đua, ảnh hưởng tới xếp loại giáo viên. Nhiều giáo viên "sốt ruột", "nôn nóng", muốn bạn nào trong lớp cũng vượt qua hết kỳ kiểm tra ngay lần đầu, nên sẽ có cách để hối thúc phụ huynh cho con đi học thêm. Thậm chí, chính các giáo viên này cũng đang đi dạy thêm.

Còn nếu giáo viên chấp nhận mình bị trừ điểm thi đua, chấp nhận mỗi học sinh có một năng lực khác nhau, em nào chưa đạt thì phải ôn tập, kiểm tra lại, thậm chí bài kiểm tra lại lần 1 chưa đạt thì nghỉ hè em học sinh đó sẽ kiểm tra lại lần 2, nếu trên 5 điểm thì em sẽ được lên lớp, còn không thì phải ở lại lớp, thì sẽ không có tình trạng "làm khó dễ cho học sinh, buộc học sinh phải đi học thêm".

Giáo viên tiểu học: 'Chương trình không nặng; dạy thêm, học thêm vì bệnh thành tích'- Ảnh 2.

Bơ phờ sau giờ học thêm

NHẬT THỊNH

Tiến sĩ giáo dục học: "Học thêm chủ yếu từ nhu cầu của phụ huynh"

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền (hiện là cố vấn xây dựng chương trình giáo dục phổ thông ở các trường ngoài công lập ở Việt Nam) cho biết ở bậc tiểu học, Chương trình GDPT 2018 được đội ngũ các nhà khoa học thiết kế phù hợp với tất cả vùng miền, kể cả vùng sâu vùng xa, cân nhắc để phù hợp với số đông và được tính toán để triển khai học 2 buổi/ngày.

"Một số khu vực sĩ số vượt quá 35 học sinh/lớp, đang thiếu phòng học, học sinh không đảm bảo được học 2 buổi/ngày, đó là những khó khăn khiến Chương trình GDPT 2018 tại các nơi đó khó đạt được mục tiêu như mong muốn. Chẳng hạn, có những nơi sĩ số 48 hay tới 54 em/lớp, dù có tăng tiết hơn, giáo viên vẫn không đủ thời gian để hỗ trợ sát sao với những học sinh có khả năng hạn chế hơn. Trong những trường hợp ấy, phụ huynh phải bổ sung kiến thức, kỹ năng cho con ở các lớp học thêm, thuê gia sư… là điều có thể hiểu được.

"Tuy nhiên, nếu không rơi vào các trường hợp kể trên, trẻ đã được học ở trường công lập/ngoài công lập, sĩ số dưới 35, trẻ được học 2 buổi/ngày, có khoảng nghỉ để vui chơi, giải trí, và học sinh không thuộc nhóm có nhu cầu đặc biệt (trẻ đặc biệt) thì việc học thêm là không cần thiết", tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền nói.

Các nước có tình trạng học thêm "ác liệt" từ tiểu học không?

Có ý kiến cho rằng ở nhiều nước trên thế giới, học sinh tiểu học còn đi học thêm "ác liệt" hơn nếu muốn giỏi.

Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền khẳng định: "Tôi xin xác nhận ở một số nước thì chương trình bậc trung học, hoặc sau trung học như IBDP, AP, A Level… là cực kỳ khó, tiệm cận với bậc đại học, đòi hỏi năng lực tư duy bậc cao của học sinh nên học sinh phải dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tự học, thậm chí có gia sư hỗ trợ. Tuy nhiên chương trình tiểu học của họ lại rất kiên nhẫn với trẻ, cho trẻ thời gian thích nghi. Tôi xin khẳng định ở các nước phát triển như Mỹ, Úc, Anh thì việc học thêm ở tiểu học không thực hành phổ biến. Và thực tế học thêm ở một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (nếu có)… không nên được lấy làm tiêu chuẩn để chúng ta hướng tới".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.