Tinh giản nhiều, nhưng giáo viên vẫn phải chủ động
Đó là chia sẻ của cô Tống Thị Mai Hương, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hoà Bình (Q.1, TP.HCM) về hướng dẫn tinh giản chương trình của Bộ GD-ĐT với bậc tiểu học.
Việc tinh giản hay dạy học theo chủ đề, cô Hương cho biết trước đó trong quá trình tập huấn, Sở GD-ĐT TP.HCM đã xác định tinh thần sẽ dạy theo hướng tinh giản khi dạy trực tuyến cho giáo viên. Và Trường tiểu học Hoà Bình đã soạn bài giảng theo chuyên đề, giáo viên cũng chuẩn bị sẵn nguồn học liệu để dạy trực tuyến và cũng được trao quyền chủ động, công cụ để làm việc.
Trên thực tế, các trường đã làm clip dạy học cho bậc tiểu học ở tất các các môn học trong ít nhất 10 tuần đầu tiên, và clip này đã được giáo viên tinh giản theo chủ đề và chỉ chọn dạy những kiến thức cơ bản, quan trọng nhất đối với yêu cầu dạy trực tuyến.
“Với việc dạy theo nội dung trọng tâm, học sinh sẽ không bị 'rơi rụng' kiến thức. Không thể nói chương trình đã giảm tải là khiến học sinh được học không đầy đủ, không đúng về chuẩn kiến thức, kỹ năng. Thầy cô sẽ dựa trên những yêu cầu cần đạt được đối với học sinh từng khối lớp theo hướng dẫn của Bộ để dạy”, cô Hương chia sẻ.
Cũng theo cô Hương, với chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh và giáo viên được chủ động nên có thể thay thế, chọn lọc các nội dung, ngữ liệu trong quá trình lên lớp. Ngoài ra, với việc Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục cấp tiểu học không tổ chức kiểm tra, đánh giá các nội dung, yêu cầu đã được tinh giản; các bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự học… Đặc biệt, riêng không tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ học sinh lớp 1, 2 trong thời gian học qua truyền hình mà chờ đến khi nào học sinh trở lại trường nên cả phụ huynh, học sinh và giáo viên sẽ bớt áp lực.
|
Vai trò của phụ huynh rất lớn
Tương tự, là giáo viên lớp cô Phạm Ngọc Hoài Ngân (Trường tiểu học Mê Linh, Q.3) cho biết trước đó giáo viên rất mong chờ phần hướng dẫn tinh giản của Bộ GD-ĐT.
Đặc biệt, trong hầu hết các phần của chương trình Bộ đều yêu cầu giáo viên phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ học sinh. “Với học trực tuyến, đặc biệt là ở lứa tuổi càng nhỏ thì vai trò phụ huynh càng lớn, như với lớp 1, lớp 2 vai trò phụ huynh cực kỳ quan trọng khi giáo viên không thể tương tác trực tiếp, hướng dẫn các em từng kỹ năng khi các em chưa thể tự làm được”, cô Hoài Ngân chia sẻ.
Riêng với khối lớp 1, lớp 2 Bộ chỉ đưa ra yêu cầu cần đạt và hướng dẫn thực hiện nội dung dạy học chứ không tinh giản cụ thể như các khổi lớp 3,4,5. Nghĩa là không chỉ định cụ thể dạy bài nào, bỏ bài nào… do vậy vai trò chủ động của giáo viên cũng rất lớn. Ví dụ, một bài học có hai âm, nhưng tuỳ theo tình hình của lớp nếu trong ngày hôm đó không thể đi hết được hai âm thì giáo viên có thể chỉ dạy một âm và có thể kéo dài chương trình ra nhưng tất cả học sinh đều nắm được. Sau đó, khi học sinh quen dần với nhịp học giáo viên sẽ chủ động đẩy nhanh tốc độ học.
“Theo chương trình mới, học sinh có rất nhiều bộ sách nên theo tôi thì khó lòng hướng dẫn cụ thể bỏ bài nào, dạy bài nào. Đặc biệt theo chương trình mới, giáo viên đã được tập huấn theo tinh thần là không có một chuẩn kiến thức, kỹ năng nào cụ thể cho từng bài học mà kết quả dạy học sẽ được đánh giá với yêu cầu đạt được theo từng giai đoạn. Ví dụ đến cuối học kỳ 1, kết thúc năm học học sinh đạt được gì”, cô Ngân nói thêm.
Và mục tiêu của chương trình chủ yếu tập trung ở những kiến thức đơn giản, cần thiết nhất như yêu cầu biết đọc, viết với học sinh lớp 1.
Trong khi đó, theo giải pháp tổ chức dạy – học thời gian đầu năm học do Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ đạo các trường không nóng vội, dạy chậm, chắc, phù hợp với nặng lực tiếp thu của học sinh. Các đơn vị quản lý thường xuyên rà soát, nhắc nhở, điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình từng địa phương, đơn vị. Sau thời gian học trực tuyến, ngay khi có điều kiện học trực tiếp, sẽ tổ chức rà soát, đánh giá khả năng tiếp thu từng em để có kế hoạch kèm cặp, hướng dẫn thêm. Nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục, sau khi rà soát, đánh giá Sở sẽ tham mưu việc điều chỉnh, kéo dài thời gian năm học nếu cần thiết, theo từng khối lớp.
Cũng theo giải pháp của sở này, khi thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, các trường dần được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng, chống dịch ngành giáo dục sẽ nổ lực đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, ưu tiên khối lớp 1, 2 bậc tiểu học, đầu và cuối cấp, chi nhỏ lớp để học trực tiếp… Trường hợp phải học trực tuyến kéo dài, sở sẽ tham mưu sử dụng các tuần dự trữ, kéo dài năm học nhất là với các khối lớp này để đảm bảo kết quả học tập.
Bình luận (0)