Giáo viên trong chương trình mới không chỉ là người dạy

09/02/2023 06:05 GMT+7

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo hướng 'mở' nên đòi hỏi giáo viên phải tham gia xây dựng phân phối chương trình, cùng nhà trường và tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy.


Để phục vụ giải trình việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT), ngày 6.2, Bộ GD-ĐT đã có văn bản báo cáo về điểm mới của chương trình GDPT 2018 và yêu cầu trong quá trình thực hiện.

GIÁO VIÊN KHÔNG CÒN DẠY THEO PHÂN PHỐI CHƯƠNG TRÌNH

Về vai trò của giáo viên (GV), Bộ GD-ĐT đưa ra so sánh: ở chương trình GDPT 2006, GV tổ chức dạy học cơ bản theo phân phối chương trình đã được xác định; không phải xây dựng lại phân phối chương trình. GV thực hiện đổi mới phương pháp dạy học nhưng cơ bản vẫn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng; chưa có nhiều yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nhất là thực tiễn tại địa phương.

Giáo viên trong chương trình mới không chỉ là người dạy - Ảnh 1.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới tăng quyền tự chủ cho giáo viên

NHẬT THỊNH

Chương trình GDPT 2018 là "mở" (chỉ quy định số tiết/năm học) đòi hỏi GV phải tham gia xây dựng phân phối chương trình, cùng nhà trường và tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học.

Về phương pháp dạy học, Bộ GD-ĐT khẳng định: "Vai trò của GV phải chuyển mạnh từ vị trí là người dạy sang vị trí là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học của học sinh (HS); thực hiện hiệu quả hơn, triệt để hơn yêu cầu về phương pháp dạy cho HS học qua làm".

SGK KHÔNG CÒN LÀ NGUỒN KIẾN THỨC DUY NHẤT

Về vai trò sách SGK, Bộ GD-ĐT so sánh: ở chương trình GDPT 2006, nội dung SGK được coi là nguồn kiến thức, là căn cứ duy nhất để dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi; cả chương trình GDPT chỉ có một bộ SGK.

Tuy nhiên, ở chương trình GDPT 2018, nội dung SGK đóng vai trò là học liệu (không phải là nguồn kiến thức duy nhất) để tổ chức hoạt động dạy học, mỗi môn học có nhiều SGK. Một chương trình, nhiều SGK là giải pháp quan trọng để thay đổi mục tiêu dạy học từ truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển năng lực.

Về yêu cầu đối với HS, ở chương trình 2006, HS chủ yếu học theo nội dung, mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT đã được thể hiện trong SGK. Mọi HS học các môn học/hoạt động giáo dục giống nhau; yêu cầu tự học, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn còn nhẹ.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Có thể điều chỉnh trong quá trình thực hiện

Phát biểu mới đây tại cuộc họp với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội về tình hình thực hiện chương trình GDPT mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: chương trình GDPT 2018 thể hiện tầm nhìn rộng lớn, tính lý tưởng, tính toàn diện, tầm mong đợi, kỳ vọng rất cao. Có điểm có thể làm được ngay, nhưng có điểm đặt ra để "đi" trong nhiều năm và trong quá trình "đi" có thể điều chỉnh.

Theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, mặc dù triển khai chương trình GDPT 2018 trong bối cảnh khó khăn, song thực tế cho thấy mọi thứ đang thay đổi, ngày hôm nay đã khác ngày hôm qua. Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến trao đổi, câu hỏi, nêu các vấn đề cần điều chỉnh từ đại biểu Quốc hội, bởi quá trình thực hiện còn là quá trình điều chỉnh.

Trong khi đó, theo phân tích của Bộ GD-ĐT, ở chương trình GDPT 2018, ngoài học theo nội dung, yêu cầu của chương trình GDPT, HS được khuyến khích và tạo điều kiện mở rộng kiến thức, tham gia các hoạt động để vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Với cấp THPT, HS có quyền lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp của bản thân. Chương trình giáo dục chia ra 2 giai đoạn, sẽ định hướng và cho phép HS lựa chọn nghề nghiệp ngay từ những năm học ở cấp THCS.

Sự thay đổi cũng thể hiện trong yêu cầu đối với cha, mẹ HS. Nếu như ở chương trình cũ, chủ yếu nhà trường, GV có liên hệ/yêu cầu cha, mẹ HS phối hợp trong các nội dung giáo dục chung về đạo đức, hạnh kiểm; chưa đặt ra nhiều yêu cầu hỗ trợ HS về học kiến thức, kỹ năng theo chương trình các môn học, hoạt động giáo dục.

Khi chuyển sang chương trình GDPT mới, đòi hỏi HS phải tự học nhiều hơn; có nhiều nhiệm vụ hơn yêu cầu vận dụng kiến thức vào cuộc sống, nhất là cuộc sống hằng ngày tại gia đình và cộng đồng. Vì vậy, cha mẹ HS được yêu cầu tạo điều kiện, hỗ trợ HS trong học tập và vận dụng kiến thức bên ngoài khuôn viên nhà trường.

Giáo viên trong chương trình mới không chỉ là người dạy - Ảnh 3.

Chương trình GDPT 2018 có quan điểm theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất

NGỌC DƯƠNG


TĂNG QUYỀN TỰ CHỦ CHO Giáo viên

Bộ GD-ĐT đã phân tích thay đổi về vai trò của GV trong chương trình mới. Theo đó, chương trình GDPT 2006 theo quan điểm định hướng nội dung, dạy học theo mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng; chỉ đạo theo hướng tập trung, thống nhất. Mục tiêu nhằm giúp HS phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản; phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo; hình thành nhân cách con người VN xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho HS tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chương trình GDPT 2018 có quan điểm theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất. Các năng lực, phẩm chất này đều được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học. Chương trình GDPT 2018 có sự đổi mới toàn diện và đồng bộ từ chương trình SGK, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; chỉ đạo theo hướng tăng quyền tự chủ cho địa phương, cơ sở giáo dục và GV.

Mục tiêu nhằm giúp HS làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống ý nghĩa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.