Giáo viên có được trả lương hay không trong thời gian này rất khác nhau, phụ thuộc vào “nội lực” và quan điểm của mỗi trường.
Trường trả nguyên lương, trường không
Nhiều giáo viên (GV) Trường phổ thông liên cấp Marie Curie (Hà Nội) cho biết trong tháng 2 toàn bộ cán bộ, GV, nhân viên của trường vẫn được hưởng nguyên lương và được nhận sớm hơn mọi tháng trước. “Điều này khiến chúng tôi rất cảm động trong khi biết rằng đồng nghiệp của mình ở một số trường tư không được nhận lương”, cô Lệ Anh, GV cấp THPT của trường, nói.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Marie Curie, giải thích: “Tháng 2 là sau tết, các thầy cô chắc cũng phải chi tiêu nhiều, nên tôi yêu cầu bộ phận tài vụ tháng này chuyển lương sớm hơn để các thầy cô yên tâm. Giữ cho cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi tập thể không bị ảnh hưởng đã là cách để chúng ta góp phần “chiến thắng” dịch bệnh”.
Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng chia sẻ: “Học sinh (HS) nghỉ học cả tháng 2 thì nhà trường vẫn trả đủ lương 12 tháng cho cán bộ, GV. Chúng tôi tạm “vay” của phụ huynh HS học phí của tháng 2 để trả lương cho GV và dạy bù vào tháng 6 mà không thu thêm khoản phí nào nữa”.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch hội đồng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), khẳng định GV của trường vẫn nhận nguyên lương. “Tôi cho rằng, việc HS không đến trường là do thiên tai, do yếu tố khách quan mang lại. Không thể đi rút lương của GV khiến cuộc sống của họ thêm khó khăn. Tôi là nhà giáo, tôi không thể làm như thế. GV vẫn phải làm việc, vẫn chuẩn bị bài cho HS, vẫn nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa mới, cùng các em ôn tập qua internet...”, cô Hiền nói.
Trong khi đó, GV Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) tỏ ra khá tâm tư khi cho biết nhà trường sẽ không trả lương khi HS nghỉ phòng dịch. “Nghỉ tết nhà trường không trả lương cho GV nên chúng tôi cũng không hy vọng gì”, một GV trường này nói.
Chấm dứt hợp đồng 1/3 nhân sựChủ Trường mầm mon Đôrêmi (TX.Dĩ An, Bình Dương) buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với 1/3 GV và các nhân viên khác của trường vì không thể “kham” nổi cả bộ máy, khi không có nguồn thu từ học sinh trong thời gian trường đóng cửa phòng dịch Covid-19.
Bà Lê Thị Bé Tuyết, chủ trường, đã viết một bức tâm thư rất dài gửi tới GV của trường về việc này. Trước đó, để đưa ra quyết định, bà Tuyết cũng đã tham khảo cách giải quyết khó khăn của những trường khác. Nhưng thay vì im lặng, chọn cách không trả lương cho nhân viên trong thời điểm này, bà đã thanh toán đủ lương tháng 1 vào ngày 5.2.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Tuyết cho biết: “Quỹ lương riêng trường là 350 triệu đồng/tháng. Thời gian chờ việc (khi học sinh nghỉ học) lương sẽ được trả theo thỏa thuận nhưng không được dưới mức lương tối thiểu vùng (là 4,42 triệu đồng) cùng chi phí bảo hiểm trường vẫn phải chi khoảng 240 triệu đồng/tháng cho hơn 40 nhân sự”. Tuy nhiên, do không biết trường bao giờ có thể trở lại hoạt động nên bà Tuyết quyết định cắt giảm nhân sự.
“Mọi người cho rằng mình ác, nhưng thâm tâm là đang bảo vệ người lao động của mình, vì trước khi cho nghỉ mình đã thông báo cho nhân viên trước 30 ngày, nếu thời gian tới họ chưa xin được việc thì họ vẫn có thể nhận được bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc. Nếu trường hoạt động trở lại, mình sẵn sàng chào đón mọi người quay trở lại”, cô Tuyết nói.
Còn bà Nguyễn Thị Sơn, Chủ tịch HĐQT Trường THCS-THPT Duy Tân (Q.10, TP.HCM), cho biết để giải quyết khó khăn khi không có nguồn thu, trường đã họp với toàn bộ GV và 80% GV của trường đã đồng ý nghỉ việc không lương trong thời gian này. Tương tự, một trường mầm non tư thục ở Q.Tân Bình (TP.HCM) cũng quyết định cắt giảm hơn 10 nhân sự trong đợt này vì không có nguồn thu khi học sinh nghỉ học.
Nguyễn Loan
|
Dạy học online để hỗ trợ học sinh hay để thu thêm tiền ?
Trong thời gian HS nghỉ học phòng dịch Covid-19, một số trường ngoài công lập “ghi điểm” bằng cách tổ chức dạy học online khá bài bản so với đa số trường công lập. Tuy nhiên, cách ứng xử của Trường phổ thông liên cấp Newton (Hà Nội) khiến phụ huynh từ phấn khởi chuyển thành bức xúc khi nhận được thông báo từ nhà trường đề nghị “hỗ trợ” tiền học online từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/HS/tháng. Phụ huynh bất ngờ và khó chấp nhận vì tiền học phí không thay đổi dù HS nghỉ học mà trường còn định thu thêm. Sau khi phụ huynh phản ứng, báo chí lên tiếng thì trường này đã buộc phải ra thông báo mới về việc sẽ dạy học miễn phí và không bắt buộc.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết nhà trường đã tiến hành dạy học online, ôn thi THPT quốc gia, thi tuyển sinh vào lớp 10 cho HS ngay từ đầu tháng 2. Tuy phải chi đến hàng trăm triệu cho hoạt động này, GV dạy online cũng được trả lương theo giờ lên lớp gấp 4 lần so với dạy học trực tiếp nhưng chắc chắn sẽ không thu thêm bất cứ khoản nào của phụ huynh.
Một số sở GD-ĐT cũng đã thông báo rõ về việc khuyến khích các trường dạy học online hoàn toàn miễn phí cho HS để tránh các trường “lợi dụng” mà lạm thu của phụ huynh. Ví dụ, Sở GD-ĐT Hưng Yên đã giới thiệu và khuyến khích GV dạy học miễn phí cho HS qua hệ thống học trực tuyến của Sở.
Bình luận (0)