Không chỉ học sinh, đội ngũ giáo viên Việt Nam tham gia chương trình cũng có những trải nghiệm đáng giá để nâng cao năng lực sư phạm từ khóa học trực tuyến này.
Nội dung và phương pháp giảng dạy cho một lớp học trực tuyến hiệu quả
Là chương trình được chuẩn hóa và áp dụng thành công ở nhiều quốc gia, GCC mang đến mô hình học tập trực tuyến lý tưởng với nhiều hình thức nội dung phong phú như quizz, video hoạt hình, bài tập dạng viết, trò chơi tương tác, và đặc biệt là những buổi thảo luận trực tiếp giữa các nhóm học sinh Việt Nam và New Zealand.
Thầy Nguyễn Bảo Khang (giáo viên Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn - Quyết Thắng, Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết: “Trước đây, hình thức học trực tuyến chưa phổ biến và giáo viên cũng không có nhiều kinh nghiệm. Nhờ chương trình GCC, tôi được học hỏi thêm về phong thái giảng dạy, sự linh hoạt trong phương pháp trình bày và chủ động sắp xếp trình tự các hoạt động học tập của giáo viên New Zealand. Tôi thấy rõ các em học sinh hứng thú hơn với bài giảng, góp phần tạo nên sự thành công của buổi học”.
|
Duy trì sự tập trung bằng cách trao cho học sinh thế chủ động
Một trong những vấn đề mà giáo viên gặp phải ở các lớp học trực tuyến là tình trạng học sinh dễ bị xao nhãng và ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài. Làm thế nào để duy trì kết nối và tương tác với các em trong suốt buổi học là thách thức của không ít thầy cô. Cô Nguyễn Thị Nguyệt (giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai, Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ: “Việc thu hút và duy trì tương tác một cách chủ động trong lớp học trực tuyến vô cùng quan trọng. Một kinh nghiệm tôi đúc kết được từ giáo viên Đại học Massey là họ sẽ giao bài tập để học sinh tìm hiểu trước ở nhà. Chiến thuật này vừa kích thích được sự hiếu kỳ, vừa giúp các em có sẵn quan điểm riêng khi chuẩn bị bài. Nhờ vậy, các em chú tâm hơn vào buổi học, để được đặt câu hỏi và được giải đáp thắc mắc của bản thân".
|
Ngoài ra, việc phát triển các kỹ năng toàn cầu cũng được lồng ghép khéo léo qua những hoạt động nhóm tưởng chừng đơn giản. "Giáo viên sẽ cho học sinh xem một bức tranh và yêu cầu các em đưa ra nhận định về tình huống nội dung của bức tranh. Từ đó, học sinh học cách đánh giá vấn đề ở nhiều góc độ nhìn khác nhau", thầy Nguyễn Xuân Phong (giáo viên Trường TH-THCS-THPT Tân Phú, TP.HCM) nhận định.
Dùng tình huống và ví dụ thực tiễn để truyền tải kiến thức
Bên cạnh việc tạo không khí thoải mái cho lớp học, một phương pháp để truyền cảm hứng đến học sinh đó là đưa nội dung học gần gũi với thực tiễn. Em Huỳnh Nguyễn Nam Phương (học sinh Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn - Quyết Thắng) chia sẻ: "Khi học về khác biệt văn hóa, giáo viên sẽ cho chúng em nói lên suy nghĩ của mình về đặc trưng của các quốc gia. Chẳng hạn như tại sao các bạn phương Tây lại nghĩ người châu Á chăm học và thích uống trà sữa? Nhờ đó, em vừa hiểu thêm về văn hóa của nước bạn để có cách nhìn nhận khách quan hơn, đồng thời cũng có cơ hội chia sẻ văn hóa và góc nhìn của học sinh Việt Nam tới bạn bè quốc tế".
|
Trong 4 tuần cùng các học sinh trải nghiệm chương trình GCC, quan sát sự tiến bộ và thay đổi xuyên suốt của học sinh, thầy Nguyễn Bảo Khang đánh giá: “Các em đã có những tiến bộ rất rõ ràng trong tư duy và giải quyết vấn đề. Đây cũng là bài học bổ ích cho những người giảng dạy như chúng tôi để đưa vào lớp học các tình huống tương tự, thúc đẩy hiệu quả tiếp thu và ứng dụng bài học vào thực tế cho các em”.
“Tôi thấy giáo viên New Zealand không xem nặng đánh giá bằng điểm số mà sử dụng các phương pháp khác như vẽ sơ đồ tư duy, chơi trò chơi, vẽ biểu đồ, làm báo cáo thu hoạch... để các em có cơ hội vận dụng trải nghiệm thực tiễn”, thầy Khang cho biết thêm.
Trong bối cảnh hai nước gặp thách thức về điều kiện đi lại do ảnh hưởng của Covid-19, chương trình GCC đã trở thành cầu nối kiến thức và kỹ năng hiệu quả học sinh Việt Nam - New Zealand, đồng thời giáo viên Việt Nam có thêm những kinh nghiệm bổ ích cho việc giảng dạy. Sự thành công từ chương trình hứa hẹn sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác giáo dục khác tương tự hữu ích cho học sinh hai nước trong tương lai.
Bình luận (0)