Ngày 14.7, câu chuyện con chó rottweiler nặng 57 kg của một gia đình ở xóm Mỹ Thượng (xã Hưng Lộc, TP.Vinh, Nghệ An) bị rắn hổ mang bò vào nhà cắn chết được nhiều người sử dụng mạng xã hội đăng tải và chia sẻ.
Anh Hoàng Phúc, chủ nhân của con chó này, cho biết khoảng 21 giờ một con rắn hổ mang bò vào nhà anh. Con chó nhìn thấy nên chạy lại tấn công, rượt đuổi con rắn. Ngay sau đó, con chó bị rắn tấn công lại. Khoảng 10 phút sau, chú chó bị chết. Phát hiện sự việc, anh Phúc không kịp can thiệp và sau đó dùng xẻng đập chết con rắn.
|
Câu chuyện rắn độc liên tục bò vào nhà và đã cắn chết một người cách đó ít ngày tại Nghệ An khiến cư dân mạng lo lắng. Tài khoản Facebook Loan Dinh viết: “Sợ quá, sao dạo này rắn độc liên tục bò vào nhà ban đêm. Trời tối, rắn lại bò dưới sàn nên rất nguy hiểm nếu vô tình giẫm phải”. Tài khoản Hương Thu nhận định: “Có thể trời nắng nóng, cây cối bị chặt hết, rắn không có chỗ trú ngụ và kiếm ăn nên ban đêm mới bò vào nhà. Mọi người hãy cẩn thận”.
Cách đây không lâu, khoảng 2 giờ sáng 3.7, chị N.T.L (21 tuổi, ngụ xã Nghĩa Lâm, H.Nghĩa Đàn) ngủ trong phòng kéo chăn lên đắp thì bị con rắn cạp nia đang nằm trong chăn cắn vào phía sau mang tai. Chị L. hoảng hốt kéo con rắn ra thì bị nó cắn tiếp vào tay. Rạng sáng, gia đình đưa chị đến Bệnh viện đa khoa Tây Bắc Nghệ An cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Tuy nhiên, do tình trạng đã diễn biến quá nặng nên nạn nhân không qua khỏi, tử vong ngày 8.7. Người thân chị L. cho biết con rắn đã bò vào phòng và ẩn nấp trong chăn từ trước đó nhưng chị L. không biết.
Đêm 8.7, một bé trai 5 tuổi ở xã Hưng Đông (TP.Vinh) ra sân nhà chơi thì bị rắn cạp nia cắn vào chân. Phát hiện sự việc, gia đình đã sơ cứu rồi chuyển cháu bé đi cấp cứu. Rất may, do kịp thời nên bé trai đã được cứu sống. Ngày 11.7, mạng xã hội xuất hiện 2 đoạn clip ghi lại hình ảnh rắn cạp nia ban đêm bò vào nhà dân ở xã Hữu Kiệm (H.Kỳ Sơn) và một con rắn cạp nia khác bò vào phòng khách nhà dân ở H.Diễn Châu. Tối 12.7, một gia đình ở xã Hòa Sơn (H.Đô Lương) phát hiện con rắn cạp nia nằm trong chiếc quần cũ dùng để chùi chân trước cửa phòng tắm của gia đình. Trước đó, 3 người trong gia đình đã vào nhà tắm để vệ sinh cá nhân nhưng không ai phát hiện và may mắn không ai giẫm lên chiếc quần này.
Người dân cần làm gì phòng rắn cắn ?
Theo kinh nghiệm dân gian, để xua đuổi rắn không vào nhà, mọi người có thể trồng một vài loại cây như cây nén, cây sả, hoa lan tỏi, sắn dây… Đặc biệt, rắn lục đuôi đỏ cực nhạy cảm với mùi nên tác dụng của việc trồng các loại cây này sẽ càng hiệu quả hơn. Ngoài ra, có thể trộn một phần muối hạt cùng với một phần tỏi nghiền với tỷ lệ 1:1 rồi rắc xung quanh lối vào nhà, sân vườn hoặc bất cứ nơi nào không muốn rắn xuất hiện.
Theo các bác sĩ, rắn cạp nia là loại rắn độc và được xếp vào nhóm rắn hổ. Nọc độc của rắn hổ khiến nạn nhân bị nhiễm độc thần kinh với các triệu chứng sụp mi mắt, khó nói, nói đớ, khó thở. Hầu hết trường hợp bị rắn cạp nia cắn sẽ liệt cơ dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Trao đổi với Thanh Niên, bác sĩ Vũ Ngọc Lân, nguyên Trưởng khoa Hồi sức chống độc Bệnh viện đa khoa Nghệ An, khuyến cáo khi bị rắn độc cắn, nạn nhân cần được sơ cứu kịp thời, rửa vết thương bằng nước muối, garo nếu bị cắn ở chân, tay và chuyển ngay đến bệnh viện. Đặc biệt, không chủ quan để bệnh nhân ở nhà chữa bằng các loại thuốc nam.
"Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp chuyển đến bệnh viện quá muộn do chữa bằng thuốc dân gian. Lúc đó, tình trạng bệnh nhân đã rất nặng", bác sĩ Lân nói. Bác sĩ cũng cho biết, người dân nên trồng sả, cây lan tỏi quanh nhà để xua rắn. Nếu phát hiện rắn vào nhà, cần bình tĩnh xử lý, không nên quá hoảng sợ tấn công rắn vì rất dễ bị rắn tấn công lại.
Bình luận (0)