'Giấy thông hành' cho gỗ Việt vào EU

23/10/2018 17:18 GMT+7

Với Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) mà Việt Nam và EU ký ngày 19.10, tại Brussels (Bỉ), có thể coi như gỗ Việt đã có giấy thông hành để vào EU

Năm 2017, xuất khẩu gỗ mang về cho Việt Nam hơn 8 tỉ USD. Năm nay con số dự kiến trên 9 tỉ USD. Định hướng đến năm 2020 con số đạt tới 20 tỉ USD. Gỗ là ngành kinh tế chủ lực trong lĩnh vực nông lâm thuỷ hải sản của Việt Nam.
Tăng sản lượng, tiết kiệm chi phí, thời gian
Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU là Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) và FLEGT là loại giấy phép về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) áp dụng cụ thể cho thị trường EU. Để được EU cấp giấy phép FLEGT, Việt Nam phải đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có nguồn gốc hợp pháp, kể cả gỗ khai thác trong và gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam (VNTLAS).
Theo Bộ Công thương, Hiệp định sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiết kiệm được chi phí, thời gian vì không phải thực hiện việc giải trình theo quy chế 995 của EU. Bên cạnh đó, nó còn giúp gia tăng niềm tin cho các đối tác khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc (là những thị trường áp dụng quy chế về nguồn gốc gỗ hợp pháp tương tự EU) đối với ngành gỗ Việt Nam.
Bà Axelle Nicaise, Đại biện lâm thời Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, cho biết: Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của EU là 26 tỉ USD. Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ hai cho EU. Con số này có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa hai bên mà Hiệp định này dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn thuế quan đối với gỗ và sản phẩm gỗ trong EU sau giai đoạn tối đa là 7 năm. “Với việc thực thi Hiệp định VPA và việc bắt đầu cấp phép FLEGT, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có quyền tiếp cận trực tiếp vào thị trường EU, thị trường chỉ mở cho gỗ hợp pháp. Các doanh nghiệp sẽ không phải trải qua một quá trình kiểm tra tính hợp pháp rườm rà. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác không có một Hiệp định VPA đầy đủ. Nó không chỉ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào EU mà còn nhiều quốc gia khác”, bà Axelle Nicaise bình luận.
Cũng theo bà Axelle Nicaise, Indonesia là quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới đạt được bước cấp giấy phép FLEGT vào tháng 11.2016. Kể từ đó, trên 40.000 lô hàng gỗ có giấy phép FLEGT với giá trị trên 1,2 tỉ USD đã được xuất khẩu sang EU nói riêng. Nó không chỉ tạo thuận lợi về mặt thương mại mà còn là đóng góp hiệu quả cho quản lý rừng bền vững.
EU là thị trường tiêu thụ gỗ lớn thứ 4, chiếm đến 10% thị phần xuất khẩu của Việt Nam sau: Mỹ, Trung Quốc và nhật Bản. Nhu cầu nhập khẩu gỗ của thị trường này lên tới gần 40 tỉ USD/năm. Thị trường này có nhưng nhà cung cấp lớn như: Đức, Ý, Ba Lan. Tuy nhiên xu hướng của EU sẽ tăng nhập khẩu đồ gỗ nội thất từ các thị trường ngoài EU; Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết sẽ mở ra cơ hội cho ngành chế biến gỗ Việt Nam mở rộng thị phần, nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Doanh nghiệp chủ động đón cơ hội
Đại diện Hiệp hội gỗ mỹ nghệ TP.HCM (Hawa) cho biết: So với Indonesia dù ký sau nhưng chúng ta có lợi thế hơn. Thứ nhất ngành gỗ của Việt Nam lớn hơn Indonesia. Thứ hai, chúng ta phát triển đồng bộ và xây dựng từ dưới lên. Họ ký kết rồi mới doanh nghiệp mới triển khai thực hiện, trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu hợp pháp từ khi Việt Nam tham gia đàm phán.
Nhiều doanh nghiệp Việt chủ động đón cơ hội mới Chí Nhân
Số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Với sự đòi hỏi ngày càng cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của một số thị trường lớn nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam như Hoa Kỳ, Châu Âu, Australia, các doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý sản xuất và hợp tác với người dân trồng rừng để cung cấp, sử dụng nguyên liệu có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế để thích ứng với yêu cầu của các thị trường. Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có đến 732 doanh nghiệp có chứng nhận chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó 49 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững với tổng diện tích 226.500 ha.
Việt Nam hiện có những mô hình liên kết các hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng keo có chứng chỉ FSC của Công ty Scansia Pacific. Các công ty hỗ trợ chi phí để đánh giá và duy trì chứng chỉ FSC trên diện tích 5.000 ha trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Mô hình liên kết giữa Công ty Woodsland với các hộ gia đình trồng rừng tại tỉnh Tuyên Quang; Công ty Cổ phần XNK Gỗ Nam Định xây dựng mô hình liên kết với hộ gia đình trồng rừng tại tỉnh Yên Bái… Các loại gỗ có chứng chỉ đều được thu mua với giá cao hơn thị trường 15-20%.
Cơ hội bức phá từ thứ 5 lên vị trí thứ 2
Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương: Sau khi Mỹ áp thuế chống phá giá đối với mặt hàng đồ gỗ của Trung Quốc, giá nhập khẩu hàng Trung Quốc tăng cao, khiến các đơn hàng đồ gỗ của Mỹ chuyển sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Chúng ta cũng đang trở thành một địa chỉ mua hàng đáng tin cậy của các thị trường Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Đông… 
Các chuyên gia ngành gỗ cho rằng dù xuất khẩu gần chục tỉ USD, đứng thứ 5 thế giới nhưng thị phần của VN mới chỉ chiếm 2% trong tổng số hơn 400 tỉ USD thương mại gỗ toàn cầu. Điều này cho thấy cơ hội phát triển còn rất lớn. Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để trở thành nhà cung cấp sản phẩm gỗ thứ 2 thế giới. Những cơ hội có thể dễ dàng nhìn thấy là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, VN ký hiệp định VPA/FLEGT với EU, sắp tới có thể là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên điều quan trọng là Việt Nam nên chuyển từ sản xuất đơn thuần sang các khâu tạo giá trị gia tăng cao như: thiết kế, thương mại… thay vì bán sản phẩm chúng ta phải bán không gian sống cho khách hàng. 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.