Như Thanh Niên thông tin, kể từ 0 giờ ngày 5.7, người dân từ vùng dịch khi đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng... làm việc, vận chuyển hàng hóa, phải có giấy xét nghiệm (XN) âm tính với Covid-19 trong vòng 3, 7 ngày (tùy nơi), tính từ ngày có kết quả XN.
Trước đó, ngày 3 và 4.7, hàng ngàn người dân đã đổ xô đến các bệnh viện và trung tâm y tế ở Đồng Nai XN Covid-19 để lấy “giấy thông hành” đến TP.HCM, Bình Dương làm việc. Việc tập trung đông người dẫn đến một số nơi bị quá tải, không đảm bảo khoảng cách, tuân thủ đúng 5K, gây nguy cơ lây nhiễm cao. Còn tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từ 12 giờ ngày 5.7, tỉnh này đã yêu cầu các chốt kiểm tra khai báo y tế trên QL51, 55 và 56 kiểm tra tất cả người từ tỉnh khác vào địa phương này phải có giấy XN âm tính Covid-19. Trên QL51, hướng từ tỉnh Đồng Nai đi Bà Rịa-Vũng Tàu, đoạn P.Mỹ Xuân (TX.Phú Mỹ), tỉnh đã tổ chức 3 chốt kiểm tra khai báo y tế. Theo ghi nhận của PV, đầu giờ chiều 5.7, tại chốt kiểm tra khai báo y tế, các xe hàng, xe đầu kéo phải dừng lại để lái xe khai báo, xuất trình giấy XN âm tính Covid-19 khiến QL51 kẹt cứng về hướng tỉnh Đồng Nai...
Tốn kém nhưng ít hiệu quả
Đúng là các bộ ngành địa phương nên có cách giải quyết khác, không ngăn sông cấm chợ mà vẫn kiểm soát được người ra - vào địa phương mình, thế mới hay...
Thanh TungThật sự quy định này vừa lãng phí tiền của vừa tăng nguy cơ trong khi hiệu quả không cao. Nên để dành các bộ KIT để XN diện rộng, tránh lãng phí thời gian, tiền của người XN, nhân lực y tế XN và nguy cơ lây chéo.
Viet Pham |
Nhiều ý kiến cũng chỉ ra các hệ lụy khác liên quan đến tờ “giấy thông hành” này. “Đổ xô đi XN tập trung đông người kiểu đó mà không có kế hoạch giãn cách thì nguy cơ làm lây lan thêm dịch bệnh”, BĐ Xuan Thanh cảnh báo. “Sợ nhất là người XN rồi mà ỷ y kết quả âm tính, không tuân thủ 5K thì nguy cơ lây nhiễm cũng rất cao”, BĐ Hoàng Lâm lưu ý.
Cảnh giác với dịch bệnh nhưng không nên cực đoan
BĐ cũng chỉ ra rằng các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh mỗi nơi mỗi khác, nên người dân XN để lấy “giấy thông hành” qua các tỉnh rất vất vả. “Dân bị rối khi thời gian hiệu lực có nơi quy định 3 ngày, có nơi
7 ngày. Giả sử khi XN âm tính, nhưng trong 3 hoặc 7 ngày sau họ dương tính mà vẫn cầm “giấy thông hành” thông chốt thì thật nguy hiểm...”, BĐ Q.Vi nêu ý kiến. Tương tự, BĐ A.Tran cho rằng: “Đồng ý là phòng chống dịch cho có hiệu quả nhưng cái “giấy thông hành” âm tính này thật sự là một bất cập. Đó là chưa nói nguy cơ giấy chứng nhận giả lan tràn và người dân đổ xô đi XN đông đúc càng tăng nguy cơ lây nhiễm chéo... Đề nghị Chính phủ vào cuộc, xem lại quy định này ở một số địa phương đang làm khổ người dân”.
“Chỉ đạo của Chính phủ là không thực hiện những quyết định gây phiền hà cho người dân. Với dịch bệnh chúng ta không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không nên cực đoan áp dụng những giải pháp như thế này. Theo tôi nên bỏ “giấy thông hành” XN Covid-19 âm tính vì không nhiều tác dụng mà lại đang làm khổ dân”, BĐ Trúc Tùng kiến nghị.
Bình luận (0)