Vị giáo sư đang cố gắng cung cấp cho lớp học về trình tự của một giờ đạo đức, một môn học đơn điệu mà học viên của lớp “sư phạm tại chức” này đã quá quen thuộc. “Dạy đạo đức mà phương pháp là rất quan trọng vì...”. Giọng thầy giáo đều đều như giọng ông tôi kể chuyện. Vài mái đầu điểm bạc gật gù ra vẻ thích thú.
Chị Phương cắm cúi ghi ghi chép chép, từng thớ thịt sau làn áo mỏng hững hờ rung lên từng hồi, các cơ bắp chuyển nhè nhẹ từ vai xuống chỗ cong ngay eo. Tôi chăm chú quan sát. Như biết có người nhìn, chị ngừng tay ưỡn lưng, khe xương sống lún sâu hơn tạo thành cái rãnh xinh xắn, cái rãnh ấy bị cắt ngang bởi dây nịt ngực màu đen rồi chạy xuống tận thắt lưng. Tôi muốn đặt tay vào giữa sống lưng ấy. Có cái gì đó thân quen đằng sau mảnh vải mỏng manh ấy. Tôi nhớ chị Sinh, chuỗi liên tưởng hiện về theo “phản ứng dây chuyền” của những sợi dây thần kinh nhạy cảm trong hộp sọ yếu đuối của tôi.
* * *
Nhà chị Sinh sát bên nhà tôi, hai nhà cách nhau khoảnh vườn nho nhỏ. Sau vườn có cái giếng nước, cách mặt đất chừng hai sải tay, trong vắt, ngay cả đêm trăng cũng thấy rõ những viên đá cuội dưới đáy giếng. Ông tôi bảo đó là “giếng tiên”. Ngày ông tổ tộc Trần đến lập nghiệp, lúc đó còn rừng rậm, đã có giếng này. Hồi xưa cả làng xài chung, bây giờ người đông nhà nào cũng đào giếng riêng gần nhà. Vì vậy giếng tiên thành sở hữu của gia đình tôi. Ngôi nhà từ đường to lớn của tộc Trần do ông tôi cai quản, mảnh vườn không lớn lắm nhưng có đủ trái cây. Mẹ con chị Sinh được ông tôi cho cất nhà sau vườn để ở. Ông nói với hàng xóm: “Nhà có hai ông cháu mà vườn thì rộng để không, ở cho vui”. Tôi còn nhỏ nên không hề quan tâm họ từ đâu đến. Mẹ chị Sinh là người đàn bà tốt bụng, bà thường giúp đỡ ông cháu tôi mấy chuyện lặt vặt trong gia đình. Chị Sinh lớn hơn tôi chừng bốn tuổi, ngày chị thành thiếu nữ, tôi còn là thằng bé mới lớn lên mười. Mỗi đêm hè nóng nực, chị xách gàu rủ tôi ra giếng tiên tắm. Chị thường nhờ tôi chà lưng. Bàn tay nhỏ bé của tôi chạy dọc trên tấm lưng trần thon thả của chị. Sau đó chị quay lại tắm cho tôi, hai bầu vú chạm vào mặt tôi nhột nhạt, êm ái. Tôi dụi đầu vào ngực chị, chị cười nắc nẻ, cốc đầu tôi và mắng:
- Thằng quỷ nhỏ!
Tôi ngước nhìn chị, ánh trăng loang loáng trên tóc, trên bờ vai trần, làm tôi nghĩ về những cô tiên trong chuyện cổ tích mà ông tôi thường kể. Tôi thầm thì:
- Chị đẹp quá!
Chị lại cười, tiếng cười giòn tan, ánh trăng vỡ vụn trong lòng giếng.
Từ đó tôi thích được tắm, chứ trước đây tôi rất lười tắm, thường cả tuần ông tôi mới lôi ra giếng, dùng xơ dừa chà cho đỏ mình tôi để lột cáu ghét bám trên người. Cứ mỗi đêm về tôi lại thấp thỏm chờ chị gọi đi tắm. Nhiều đêm chị đi chơi với anh Tân, tôi thơ thẩn ngoài vườn, những đêm ấy tôi thấy khung cảnh của khu vườn buồn lạ lùng, nhất là cây cau sau nhà, cố vươn lên bầu trời đầy ánh trăng, im lìm và cô độc.
Những năm tháng lặng lẽ chậm chạp trôi qua trong căn nhà từ đường, ông tôi trầm ngâm hơn bên ấm trà nhỏ bằng cái hột vịt, chẳng mấy khi chịu rời bộ ngựa to đùng trong phòng khách, trừ những lúc lau dọn bàn thờ và lầm rầm khấn vái đầy thành kính. Hễ có đến chơi khề khà vài chung rượu, ông vuốt râu nhìn tôi và nói cái điều mà tôi nghe cả hàng trăm lần:
- Cha mẹ nó chết hồi nó còn nhỏ xíu, tôi nuôi nó bằng nước cơm mà bây giờ lớn vậy đó, học giỏi lắm, năm nào cũng được lên lớp.
Ở quê, những đứa trẻ như tôi đi học về liệng mấy cuốn vở trong cái bao đựng xà phòng vào góc chõng tre lao ra đồng giữ trâu, bắt cá, mò cua, đi mót lúa nên đứa nào năm nào cũng được lên lớp như tôi được coi là giỏi.
Tối đến hai ông cháu ôm nhau ngủ, ông lầm rầm kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích không đầu không đuôi, tôi nhớ có cả câu chuyện cô Tiên tắm ở cái giếng sau vườn nhà mình.
Tôi cứ thế lớn lên trong giai điệu buồn bã của những con mọt ăn gỗ trên xà nhà và những lời kể chuyện đều đều vô cảm của ông tôi.
Bẵng đi thời gian khá lâu, từ ngày chị Sinh quen với anh Tân, hai chị em chẳng còn tắm chung. Tôi đâm ghét cái anh chàng thanh niên thị trấn có khuôn mặt bè bè đến xốn mắt, cứ suốt ngày bám lấy chị Sinh. Tôi vẫn tắm ngoài giếng tiên một mình, nhiều đêm lạnh cóng cả người.
Đến ngày tôi phát hiện ra vệt màu xám đen bằng ngón tay út chạy ngang ở phần cuối bụng dưới, tôi thắc mắc hỏi, ông tôi khề khà bảo:
- Mày lớn rồi.
Đêm ấy, chị Sinh qua nhà rủ tôi ra bờ giếng, chị kéo tôi ngồi trên thành giếng, vuốt tóc tôi, rồi nói:
- Chị sắp lấy chồng nhỏ ạ!
Có cái gì đó vỡ òa trong ngực tôi, đớn đau chảy xuống bụng nôn nao. Tôi lặng thinh, nhặt hòn cuội vạch rin rít trên miệng giếng. Chị vẫn mơ màng nói bên vai tôi:
- Vài ngày nữa anh Tân sẽ cưới chị, chị lấy chồng xa, chắc khó về thăm em, chị thương em lắm.
Lời của chị lẫn vào những cơn gió rào rạt trong vườn, tự dưng nước mắt trào ra, ràn rụa trên mặt, tôi ném hòn sỏi ra xa, òa khóc nức nở. Chị ôm tôi vào lòng vỗ về:
- Thôi nín đi nhỏ. Cưới vợ người ta chê già mà còn nhõng nhẽo, để chị hát cho cưng nghe nhé.
Tôi ngoan ngoãn ngả đầu vào lòng chị. Những “cánh cò cánh vạc” chấp chới trong mơ, làm khô dần những giọt nước mắt tuổi mười ba của tôi.
Bốn năm sau chị trở về, mắt chị buồn hơn xưa, nhưng dáng dấp vẫn còn thon thả như thời con gái. Ông tôi thường tặc lưỡi than: “Đàn bà đáy thắt lưng ong như con Sinh mà không có con, để chồng theo vợ bé, tội nghiệp”.
Chị gặp tôi, nhưng chẳng còn ôm tôi như ngày xưa. Bởi lúc này tôi đã trở thành chàng trai cao lớn. Chị trêu tôi:
- Chà. Lớn dữ ha, còn khóc nhè nữa không nhỏ?
Tôi đỏ mặt quay đi, chị vô tình làm tôi nhớ lại những giọt nước mắt dại khờ bên bờ giếng tiên. Tôi xấu hổ về chuyện yếu đuối của mình ngày xưa, nhưng tôi vẫn lén lút nhìn chị. Phải công nhận chị đẹp, đẹp hơn hẳn các cô gái trẻ trong làng. Nhớ màu trắng ngần và cái lõm hằn giữa lưng của chị, mà nhiều lần tôi miết bàn tay mình vào đó, tự dưng mặt đỏ rần, tim đập rừng rực. Tôi ước muốn được một lần nữa chạm vào tấm lưng mềm mại của chị.
Lại một đêm trăng, tôi thơ thẩn ra vườn. Cả ngày mệt nhọc với đám giỗ mẹ tôi, cái chết của mẹ, qua lời kể của ông lại hiện về đỏ sẫm dưới ánh trăng. “Mẹ mày chết đêm rằm tháng mười, linh lắm. Nó phù hộ cho mày mới lớn được như vậy. Mày nhớ ngày mà làm đám giỗ cho đàng hoàng”. Dặn dò tôi xong ông quay qua kể với mọi người: “Tôi còn nhớ hôm đó trăng sáng như ban ngày, đang thiu thiu ngủ, nghe heo kêu tôi cầm đèn ra coi thử, đi ngang giường con nhỏ, tôi giẫm nhằm vũng máu mới hay nó chết, tội nghiệp con nhỏ mới mười chín tuổi đầu. Các anh biết không, một viên đạn bắn xuyên qua đầu con nhỏ, may mà thằng này (ông chỉ tôi) nằm dưới nách mẹ nó, nên viên đạn trượt qua đầu nó làm bị thương con heo đằng sau nhà, cái tật thằng nhỏ ngủ cứ tụt xuống chân giường, nhờ vậy mà nó còn sống, tới giờ nó ngủ cũng cứ xuống đít người ta vậy đó, nó sống nhưng chắc đời nó không khá được”. Vừa kể vừa gạt nước mắt nước mũi chảy hoàng huệnh trên mặt trên râu. Lúc ấy, ai cũng nhìn tôi với ánh mắt thương hại, tôi cảm thấy khó chịu vô cùng, bây giờ nhớ lại, bất giác rùng mình, tôi lắc đầu “Ghê rợn quá!”. Tôi cố quên những hình ảnh đáng sợ ấy bằng cách nhớ lại tấm lưng trần mềm mại của chị Sinh. Sáng nay, chị qua nhà tôi dự đám giỗ, nhấp tí rượu, gò má đỏ ửng, mắt chị long lanh nhìn tôi. Khi đặt thức ăn lên bàn, chị chồm qua vai, ngực chị khẽ đụng vào người tôi, tôi nghe như có dòng điện chạy dọc sống lưng. Tôi đi lần về phía giếng, với niềm hy vọng chị sẽ xuất hiện, tôi nhớ mình có đọc đâu đó một câu chuyện tương tự như trường hợp của tôi. Chắc chắn tôi sẽ không bỏ lỡ dịp may được chạm vào tấm lưng trần của chị. Nhưng tuyệt nhiên vắng lặng, chỉ có ánh trăng bao trùm vạn vật và những bài ca vô vọng của đám côn trùng đang thi nhau gào thét, nghe mụ cả người.
Sáng hôm sau, tôi khăn gói về thành phố trọ học, bỏ lại sau lưng tuổi thơ dại khờ với ngôi nhà từ đường rộng thênh thang cùng người ông mà chiếc bóng mỗi ngày một ngắn lại trong khu vườn buồn bã.
* * *
“Mười lăm năm, kể từ ngày rằm tháng mười năm ấy”, tôi lẩm bẩm và nhích dần bàn tay trên mặt bàn, “chỉ chút xíu nữa thôi sẽ chạm vào quá khứ”. Tôi tự nhủ như vậy và khẽ nhích thêm bàn tay lên một centimet nữa, chạm tới ranh giới cuối cùng của mặt bàn. Chị Phương ưỡn lưng về phía trước. Giọng thầy giáo vẫn đều đều về quá trình hình thành nhân cách cho học sinh hay cái gì đó tương tự, lời giảng loáng thoáng vượt qua tai. Mặc kệ, tôi khẽ nhích thêm một chút nữa. Vượt qua giới hạn mặt bàn, bỗng dưng bàn tay tê buốt, lạnh cứng. Người bạn ngồi kế bên đụng vào vai tôi:
- Viết bài đi. Thầy nhìn kìa, làm thơ hả?
Tôi giật mình rụt tay lại, thở dài, nhặt cây viết tô đậm đầu bài, hàng chữ duy nhất trên trang giấy.
Bình luận (0)