Gieo chữ giữa 'ốc đảo' nơi đại ngàn

05/03/2018 10:02 GMT+7

Ở một xã miền núi heo hút tỉnh Gia Lai, nơi người Kinh trở thành thiểu số, nhiều giáo viên vẫn bám lớp, bám làng đưa con chữ đến với người bản địa Ba Na.

Con đường từ trung tâm tỉnh lỵ Gia Lai đến xã Kon Pne xa xôi diệu vợi. Hết những cung đường đèo dốc, ngoằn ngoèo lại tiếp cung đường xuyên qua rừng già... Xuất phát từ Pleiku lúc 6 giờ sáng, mãi đến gần 11 giờ trưa chúng tôi mới có mặt ở xã Kon Pne. Xã nằm dưới một thung lũng. Mùa đã vãn, chỉ còn lại những chân ruộng trơ gốc rạ úa màu.

Đi dạy phải đem theo... bông băng y tế
Xã Kon Pne, H.Kbang (Gia Lai) được mọi người gọi là “ốc đảo” đã phản ánh đầy đủ sự cách trở. Giáo viên tại đây chủ yếu ở trung tâm H.Kbang nên để đến trường, mỗi tuần họ phải vượt 160 km cả đi lẫn về.
Đường vào Kon Pne chỉ còn vài chục cây số đường đất nhưng luôn là nỗi ám ảnh của những ai vào đây. Thầy cô giáo dạy ở “ốc đảo” không ai có thể lành lặn khi mùa mưa đến. Nhiều vụ ngã xe, chảy máu chân tay hằn in đầy sẹo, vừa đi vừa nơm nớp sợ núi lở. Lắm khi xe bị thủng lốp giữa cung đường trơn trượt. Vì thế những giáo viên ở đây luôn tự trang bị cho mình bông băng y tế, bơm xe... để chủ động trên cung đường dài dằng dặc ấy.
“Lần đầu tiên tôi biết mảnh đất Kon Pne và không ngờ xa đến thế, rừng núi lại hoang vu. Các em học sinh còn rất e dè, ngại tiếp xúc, trình độ hạn chế. Tôi phải dặn lòng nếu nản chí thì khó có thể dạy học được nơi này!”, cô giáo trẻ 23 tuổi Nông Thị Thủy trải lòng.
Thầy Phạm Văn Hinh, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS Kon Pne mới 36 tuổi nhưng đã 16 năm bám trụ tại địa phương. Thầy kể: “Học sinh ở đây hầu hết chỉ học đến bậc THCS. Tôi dạy nơi này 16 năm mà chỉ chứng kiến trên dưới 10 em ra trung tâm huyện học lên bậc THPT. Lực học yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến chuyện học của các em dừng lại sớm”.
Gieo chữ giữa đại ngàn1
Em Blit đã quay lại trường sau hai tuần bắt chồng
Gieo chữ giữa đại ngàn2
Bữa ăn của các học sinh bán trú ở “ốc đảo”
Để vận động học sinh đến lớp, 20 giáo viên cũng trở thành 20 tuyên truyền viên. Có thầy cô phải đi bộ gần cả chục cây số đến rẫy vận động học sinh đi học. Nhiều lúc đến nơi thì phụ huynh bảo: “Mình cũng muốn cho con đi học nhưng nó không chịu. Cô giáo hỏi nó đi, mình không biết à!”. Vậy là phải ngon ngọt với các em đủ kiểu. Con chữ đến với các em hằn in những lần ngã xe vì đường dốc trơn trượt khi mùa mưa đến, những đêm lạnh đi kiểm tra chăn ấm và cả từng bữa ăn...
“Không muốn... lấy chồng nữa, chỉ muốn đến trường”
Đang học lớp 9, em Blit (14 tuổi) ở làng Kon Kring đùng đùng nghỉ học. Thầy cô đến nhà vận động quay trở lại trường mãi không chịu. Hóa ra Blit phải lòng một chàng trai hơn em 3 tuổi ở xã gần đó. Vì chưa đến tuổi nên Blit cưới chồng chẳng có hôn thú, gia đình hai bên chỉ làm thịt vài con gà, rượu trắng và con heo nhỏ đãi người làng là xong. Nhìn người làng chếnh choáng men rượu, hai đứa trẻ nên vợ chồng mặt non choẹt, đứng lóp ngóp trong đám cưới, thầy cô giáo chỉ biết lắc đầu buồn bã.
Hai tuần sau, Blit quay lại trường. Thầy cô ra hỏi thăm thì Blit òa khóc, bảo không muốn... lấy chồng nữa, chỉ muốn đến trường. Hôm gặp chúng tôi, Blit kể: “Nó cưới mình về xong cứ để mình ở nhà suốt ngày còn nó đi uống rượu miết. Mình nói ở nhà với mình nó không chịu, lại đánh mình nữa. Mình hết thích nó rồi, chỉ muốn đi học lại thôi. Nhưng nhà mình nghèo, không có tiền ra ngoài huyện học đâu. Hết năm nay mình nghỉ ở nhà làm rẫy với bố mẹ thôi!”.
Thầy Hinh kể rằng những câu chuyện cười ra nước mắt như thế dù ít nhưng không thiếu ở nơi này. Trong những cuộc liên hoan mừng đôi trẻ vị thành niên đến với nhau, người làng chưa kịp tỉnh cơn say đã chứng kiến cô dâu chú rể trẻ con chúi mũi vào điện thoại chơi trò chơi điện tử hay giành nhau món đồ, cãi chí chóe.
Nhiều em mới qua tuổi dậy thì đã vướng vào tình cảm gái trai và lỡ có bầu. Người làng biết được và bắt phải cưới, không thì phạt vạ bò, heo... Chỉ có sạt nghiệp! Vậy là đôi trẻ nên duyên. Lệ làng là vậy!
Phó chủ tịch UBND xã Kon Pne Lê Văn Quang cho biết: “Toàn xã có 389 hộ, khoảng 1.500 nhân khẩu. Những năm trước có nhiều trường hợp tảo hôn. Riêng năm vừa rồi có 4 trường hợp. Họ không ra xã để đăng ký kết hôn vì biết pháp luật không cho phép nhưng vẫn tổ chức liên hoan trong gia đình, dòng họ. Mình biết nhưng không có cơ sở xử lý. Hằng năm đều có vận động tuyên truyền nên thực trạng này dù có giảm nhưng vẫn còn”.
Gieo chữ giữa đại ngàn3
Giờ nghỉ trưa của học sinh
Gieo chữ giữa đại ngàn4
Bỏ học sớm, hai em nhỏ hằng ngày lên rừng lấy đót mưu sinh
Cô giáo bắt chồng năm 14 tuổi
Cô giáo Rơ Ô H’anh có lẽ là trường hợp đặc biệt trong số những giáo viên cắm làng. Mới 14 tuổi, H’anh đã bắt chồng dù đang đi học và có học lực rất tốt. Vượt lên hoàn cảnh và được sự động viên của thầy cô giáo, cô tiếp tục đi học. Tin vui đến với H’anh khi cô thi đỗ vào Khoa Văn Trường đại học Quy Nhơn. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá, cô giáo trẻ được tuyển vào làm giáo viên ở K’Bang. Đường từ nhà H’anh (H.Krông Pa, Gia Lai) đến xã Kon Pne gần 300 km nên hai vợ chồng trẻ quyết định đến đây lập nghiệp, vợ dạy học, chồng làm bảo vệ. Vợ chồng H’anh là người Jrai duy nhất ở nơi có đến 99% người Ba Na.
Đứa con đầu lòng của H’anh được sinh ra ở đây. Vừa rồi, chúng tôi nhận được tin vui là vợ chồng cô giáo trẻ lại có thêm một em bé gái kháu khỉnh từ vùng đất còn nhiều gian khó này.
H’anh tâm sự: “Em bắt chồng quá sớm và cũng từng nghĩ sẽ xin ra gần huyện hơn nhưng nghĩ lại hoàn cảnh của mình trước đây nên muốn ở lại giúp các em. Tiếc cho một số em học lực rất khá, có thể tiếp tục học cao hơn nhưng gia đình quá khó khăn nên phải dang dở việc học. Gắn bó nơi đây 6 năm rồi. Em chưa nghĩ mình sẽ chuyển đi”.
500.000 đồng/tháng cho học sinh nội trú
Toàn trường có 20 giáo viên và 294 học sinh (chỉ 5 em người Kinh). Vùng sâu vùng xa, thực phẩm rất đắt đỏ. Mỗi ký thịt ba chỉ ở trung tâm huyện Kbang giá 75.000 đồng thì ở đây đội lên đến 90.000 đồng; mì tôm giá 3.000 đồng/gói vào đến xã có giá 5.000 đồng/gói. Vì thế, với định suất 500.000 đồng/tháng/học sinh nội trú, thầy cô giáo ở đây phải rất chật vật để đảm bảo cho 100 học sinh nội trú ăn no, ngủ ấm.
Trên đường trở lại trung tâm H.Kbang, chúng tôi gặp hai em nhỏ người Ba Na chừng 10 tuổi, chân tay rướm máu vì vết vắt cắn, gai đâm cùng bó đót vừa lấy được từ rừng sâu. Các em đã nghỉ học, lên rừng lấy đót về bán được hơn chục ngàn đồng/ngày.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.