Gieo lại tiếng đàn trăm năm trước

30/04/2018 05:37 GMT+7

Tối 28.4, vở cải lương Thầy Ba Đợi (kịch bản văn học: PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt - Phạm Văn Đằng, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên - Lê Trung Thảo) đã được công diễn tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) với sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ cả 3 miền.

Thông qua câu chuyện về cuộc đời của nhạc sư Nguyễn Quang Đại, tên gọi dân gian là thầy Ba Đợi, vở diễn đã đưa người xem tìm về tiếng đàn của hơn trăm năm trước trên vùng đất Nam bộ, nơi khởi nguồn cho âm nhạc đờn ca tài tử, nền tảng để phát triển nghệ thuật cải lương sau này. Đồng thời người xem cũng được hiểu hơn về một nhân vật đóng góp không nhỏ vào lịch sử phát triển của âm nhạc dân tộc và nghệ thuật truyền thống cải lương.
Bên cạnh đó, vở diễn còn muốn chuyển tải một điều: để gìn giữ và lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống ấy, từ hơn trăm năm nay, ngoài công trạng của ông Ba Đợi, còn có sự góp công, góp sức của rất nhiều người dân lành khác. Đó là cô tiểu thư Ái Hoa chấp nhận đánh đổi hạnh phúc để bảo vệ tính mạng cho vị nhạc quan tài hoa đang bị giặc Pháp truy bắt; là sự hy sinh thầm lặng của người vợ sau này của ông Ba Đợi, luôn bên cạnh chăm lo quán xuyến trong ngoài để chồng yên tâm truyền dạy âm nhạc cho đời; là những nghĩa cử của những học trò, ông lão chăm mộ ở nghĩa trang…
NSƯT Nguyễn Xuân Vinh, Quang Khải, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Thanh Tuấn lần lượt thể hiện các giai đoạn cuộc đời của thầy Ba Đợi rất liền mạch, kết nối nhau qua hình ảnh cây đàn kìm được trao gửi lại. NSƯT Quế Trân quá ngọt ngào và thanh tao trong cốt cách của một tiểu thư Ái Hoa hiền thục, đoan trang, yêu nước, yêu người tài. Võ Minh Lâm bỏ qua hình ảnh anh kép đẹp hiền lành sở trường để thể hiện sắc nét vai phản diện vừa đáng ghét, vừa đáng thương vừa có cả sự buồn cười trong sự ngông cuồng như một đứa trẻ… Cùng nhiều diễn viên khác, mỗi người một chút đã góp phần đưa Thầy Ba Đợi có một đêm công diễn thành công trọn vẹn.
NSƯT, đạo diễn Triệu Trung Kiên vốn được biết với những thử nghiệm táo bạo cho cải lương, như việc đưa nhạc rock vào một vở có đề tài về nhà cách mạng Phan Đăng Lưu trong vở Hừng đông trước đây. Thế nhưng khi dàn dựng Thầy Ba Đợi, anh lại muốn thể hiện vở một cách dung dị và mộc mạc nhất để “phô diễn những vẻ đẹp, những giá trị mà cải lương đang có qua quá trình hình thành và phát triển 100 năm qua”. Đặc biệt, mỹ thuật sân khấu của vở khá ấn tượng với thiết kế sân khấu hình tròn được cách điệu từ hình ảnh cây đờn kìm, thoạt nhìn khá đơn giản nhưng mỗi lớp diễn lại được biến hóa khá đẹp mắt cho từng bối cảnh. Ngoài ra, màn múa vải thể hiện các thang âm của ngũ cung trong một sáng tác của thầy Ba Đợi cũng là phần biểu diễn đẹp với nhiều ý nghĩa.
Với Thầy Ba Đợi, tiếng đàn cùng những thang âm ngũ cung từ hơn trăm năm trước có lẽ đã thực sự được gieo lại cho thế hệ trẻ hôm nay, bởi khi kết thúc vở diễn, lẫn trong những khán giả ra về, có những bạn trẻ đã hát nhẩm lại “xê cống xàng cống liu…” theo lời bài hát cuối vở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.