Đằng sau cổng chùa Diệu Giác (đường Trần Não, P.Bình An, Q.2, TP.HCM) là những dãy nhà tầng kiên cố, nơi 23 năm qua là mái ấm chở che cho những cảnh đời cô nhi.
>> "Ông Bụt" của học trò nghèo
Thời gian đầu mới thành lập, cô nhi viện trong bộn bề khó khăn, chưa một ai biết đến, các ni sư đã rất vất vả, không ngần ngại cực nhọc buôn bán trăm nghề từ làm bánh, làm nhang, thức ăn chay…, tự túc chăm lo cái ăn cái mặc và chuyện học hành cho các cháu nhỏ bất hạnh dưới mái nhà tranh dột nát, tạm bợ. Từ đó, bao cảnh đời cô nhi đã lớn lên, trưởng thành trong tình thương cảm chưa bao giờ vơi cạn của các ni sư.
Điều kỳ diệu của tấm lòng
Trong số 128 cô nhi đang nương nhờ dưới mái ấm Diệu Giác, cháu Bảo Hân (2 tháng tuổi) là thành viên mới và nhỏ tuổi nhất. Không ai biết được bố mẹ hay người thân của cháu là ai, đang ở nơi nào. Đứa trẻ thiếu may mắn này được phát hiện vào một đêm khuya trước tết Nguyên đán vừa qua. Một số ni sư trong chùa hôm đó thức nấu bánh chưng. Mọi người hết sức bất ngờ khi bỗng dưng vang lên tiếng khóc đứt quãng của con trẻ ở phía trước cổng chùa. Linh tính về một điều gì đó chẳng lành, ni sư Hạnh Hải vội vã chạy ra, thảng thốt khi thấy một bé gái được quấn trong tấm khăn mỏng manh, cơ thể tím tái, lạnh ngắt co ro giữa màn đêm. Các ni sư thấp thỏm âu lo sẽ không giữ được tính mạng cháu nhưng sự bất hạnh đã không ập đến với sinh linh bẻ bỏng bị bỏ rơi này một lần nữa. Cháu bé đã hồi sinh sau khi được các ni sư đưa vào cô nhi viện dùng đủ mọi cách chăm sóc sức khỏe.
Ngoài vòng tay cưu mang của các ni sư, ở cô nhi viện còn có những người tình nguyện nuôi nấng các cô nhi bệnh tật hiểm nghèo. Họ là những phụ nữ đã luống tuổi đến từ nhiều vùng quê khác nhau, từng sống đơn chiếc và trong lòng luôn khát khao tiếng khóc, nụ cười trẻ thơ. Chị Huyên (50 tuổi, quê Quảng Trị) là một người có hoàn cảnh như thế. Chị không chồng, không con. Năm 1997, khi nghe tiếng cô nhi viện Diệu Giác, chị đã vào xin phụ giúp các ni sư. “Nếu đi bán vé số dạo thì tui cũng đủ sống qua ngày nhưng mình thì vẫn mãi đơn chiếc. Ở cô nhi viện, chăm nom các cháu nhỏ, dù thức sớm dậy khuya nhưng mà tui có được cảm giác là mình đang có một đại gia đình”, chị Huyên tâm sự.
Trong số gần 10 cô nhi nhỏ tuổi mà chị thường xuyên lo chăm sóc nhiều năm qua có cháu Mỹ Ái. Cháu là cô nhi có số phận éo le và thương tâm nhất được cưu mang ở nơi này.
9 năm trước, có đoàn sinh viên tình nguyện đến cô nhi viện Diệu Giác mang theo một bé gái tuy rất xinh xắn nhưng sức khỏe lại èo uột. Thân hình cháu nhỏ thó, nước da xanh xao vàng vọt và ít linh hoạt như những cháu bé khác. Họ bảo với các ni sư là đã phát hiện được cháu trong một lần đi chiến dịch tình nguyện. Vì quá thương cảm và không biết nhờ ai cưu mang nên đến cậy nhờ lòng tốt của các ni sư. Không chút đắn đo, các ni sư dang vòng tay tiếp nhận, đặt tên cháu là Mỹ Ái và dốc sức chăm sóc. Tuy nhiên càng lớn lên, Mỹ Ái càng phát ra nhiều bệnh.
Khi chúng tôi đến, chị Huyên đang ẵm Mỹ Ái trên tay. Tứ chi cháu teo tóp, đôi mắt sáng to nhưng không nhìn thấy được gì. Ngay cả thở trông cũng rất khó nhọc vì cổ họng cháu luôn ho khò khè. Chị Huyên kể, Mỹ Ái bị bại liệt và mù bẩm sinh nhưng mới đầu tiếp nhận cháu còn quá nhỏ nên không phát hiện được. Thời gian cháu nằm viện điều trị bệnh nhiều hơn ở cô nhi, chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Từng đi mua áo quan để chuẩn bị lo hậu sự nhưng điều kỳ lạ là cháu vẫn sống. Hôm nằm điều trị chung phòng cấp cứu ở bệnh viện, bác sĩ đã phải bóp bóng thở cho 7 cháu nhỏ khác và Mỹ Ái vì sức khỏe nguy kịch nhưng chỉ có mình cháu Ái là vượt qua khỏi. Mọi người hết sức ngạc nhiên, bảo là “nhờ phước đức của các ni sư”.
|
Đại gia đình Diệu Giác
Sinh ra trong hoàn cảnh bất hạnh, dường như những mảnh đời cô nhi luôn khát khao mãnh liệt sự sống dù đối mặt với bất kỳ nghịch cảnh nào. Cháu Phước Duyên (3 tuổi) cũng là một trường hợp điển hình như thế. Cháu được phát hiện bỏ rơi trước cổng chùa trong một đêm khuya khoắt như cháu Bảo Hân. Không may là Phước Duyên bị Down và tim bẩm sinh... Bác sĩ bảo chắc không sống được. Nếu sống thì cũng èo uột nằm một chỗ và không quá vài ba năm. Lo lắng trước bệnh tình nguy nan, các ni sư xin kinh phí cho cháu phẫu thuật với hy vọng tìm kiếm sự sống dù rất mong manh. Không ngờ sau khi phẫu thuật 7 ngày, sức khỏe cháu phục hồi một cách nhanh chóng ngoài sự mong đợi. Giờ Phước Duyên đã khỏe mạnh, có thể tự ăn cơm và suốt ngày cứ quấn quýt ni sư Hạnh Bảo, người đang phụ trách cô nhi viện.
Người sáng lập cô nhi viện Diệu Giác là ni sư Như Trí. Những đứa trẻ mồ côi ở đây phần lớn đều mang họ của vị ni sư giàu lòng từ tâm này. Dù tiếp nhận trong hoàn cảnh nào, lớn hay nhỏ, ni sư Như Trí đều dày công chăm lo, đi làm khai sinh, nhập hộ khẩu vào đại gia đình Diệu Giác để đến tuổi được đi học như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhiều cô nhi giờ đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học ra trường. Có người phát nguyện ở lại cô nhi viện để chăm sóc, dạy chữ cho các cháu nhỏ như một sự đền đáp lòng tốt của các ni sư từng dành cho mình.
Ở sân cô nhi viện mỗi buổi sáng - chiều luôn có nhiều cô nhi cùng nhau vui đùa. Có cháu cười nói hồn nhiên, có cháu lại rất nũng nịu. Dường như hình ảnh, vòng tay cưu mang của các ni sư như tình ruột thịt in sâu tâm thức bé bỏng của các cháu. Tôi có cảm giác dưới mái ấm cô nhi viện yên bình này, niềm khát vọng sống trong từng mảnh đời bé nhỏ và không ít tâm hồn lạc lõng bơ vơ giữa dòng đời, mái hiên hè phố đã thật sự được gieo lên.
Đình Phú
Bình luận (0)