Tiếng là ở phố, nhưng nhà ông Võ Duy Binh nằm ở một con ngõ nhỏ sâu hun hút và vắng bóng người trên đường A Khanh (P.Trần Hưng Đạo, TP.Kon Tum). Ngôi nhà trông rất bình yên của ông nằm im lìm dưới những tán cây trĩu quả.
Ở tuổi 63, ông Binh với đôi chân tập tễnh vẫn ngày ngày chăm sóc vườn cây ăn trái. Thấy người lạ ghé thăm, ông Binh bỏ cây kéo cắt cành xuống rồi dắt khách vào nhà. Gọt vội đĩa trái cây mời khách, ông Binh giới thiệu: “Trái cây nhà trồng được nên sạch và ngọt lắm”.
Ông Võ Duy Binh dẫn khách thăm vườn cây ăn trái |
ĐỨC NHẬT |
Đi qua bom đạn chiến tranh
Ông Binh kể, ông sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo xã Mỹ Thọ, H.Phù Mỹ, Bình Định. Năm 1976, khi mới 17 tuổi, ông nhập ngũ, thuộc Trung đoàn 29, Sư đoàn 307, Quân khu 5 tham gia nghĩa vụ quốc tế cao cả tại Campuchia để chống lại quân diệt chủng Khmer Đỏ (Pol Pot). Thời điểm bấy giờ quân diệt chủng Pol Pot ở Campuchia đang mở các cuộc hành quân khiêu khích, lấn chiếm lãnh thổ VN…
Sau thời gian huấn luyện, ông được giao nhiệm vụ quân báo và hoạt động ở khu vực phía đông bắc Campuchia. Nhiệm vụ của ông là luồn sâu vào căn cứ địch để trinh sát, thu thập tin tức. Trước mỗi trận đánh lớn, ông Binh cùng đồng đội tiến sâu vào căn cứ địch, vẽ sơ đồ gửi về Bộ Tư lệnh để đề ra chiến thuật tác chiến.
Năm 1980, trong một lần mở đường để bộ binh hành quân, đơn vị của ông Binh bị địch phục kích. “Chúng tôi đi vào khu vực địch gài mìn định hướng. Sau khi kích nổ mìn định hướng, bộ binh địch cũng đồng loạt tấn công. Chúng tôi rút lui, mọi người chạy tạt qua hai bên thì lại gặp mìn mà địch gài sẵn”, ông Binh kể.
Sau tiếng nổ lớn, hàng chục mảnh mìn găm vào ngực, ông Binh gục xuống và được đồng đội đưa về hậu cứ. Sau thời gian điều trị và hồi phục, ông Binh tiếp tục xung phong ra tiền tuyến chiến đấu khi vết thương chưa kịp lành hẳn.
Quay lại vị trí chiến đấu chưa đầy 1 năm, ông Binh tiếp tục bị thương một lần nữa. Ông kể rằng năm 1981, khi đang thực hiện nhiệm vụ gác chốt, giữ tiền đồn, ông Binh bất ngờ bị địch tập kích. Hàng chục mảnh kim loại ghim chặt vào chân ông đau nhói. Dù bị thương, ông vẫn cùng đồng đội đẩy lui đợt tập kích này. Sau đó ông được đưa về hậu cứ điều trị. Sau 2 lần bị thương, ông Binh trở thành thương binh hạng 2/4. Mất sức chiến đấu, ông đành xin phục viên và trở về nhà trên đôi chân khập khiễng.
“Thời điểm ấy ở chiến trường K khốc liệt lắm. Phải trải qua thì mới biết, chứ nhiều lúc nghe thì cũng chỉ là chuyện kể lại, mà có nhiều người còn không tin được. Đi cùng đợt với chúng tôi năm ấy cả xã chỉ có 3 người lành lặn trở về”, ông Binh nhớ lại.
Rời xa chiến trường, nhưng vết thương cứ hành hạ ông Binh mỗi khi trái gió trở trời.
Sau đó ít năm, do làm việc nhiều nên những mảnh đạn ở chân ông Binh bắt đầu nhiễm trùng. Thế nhưng các bác sĩ cũng chỉ bóc tách những mảnh đạn có thể lấy được, còn hơn 10 mảnh đạn khác vẫn nằm lại bên trong cơ thể của ông.
Thương binh hạng 2/4, ông Võ Duy Binh (trái) đã cố gắng vươn lên trong cuộc sống |
ĐỨC NHẬT |
Đưa cây ăn trái về Kon Tum
Quê nghèo đất cằn sỏi đá, nhà lại ít đất sản xuất nên không thể phát triển kinh tế, năm 1983 ông Binh quyết định tìm lên Kon Tum lập nghiệp. Những ngày đầu ở đất khách quê người, ông làm thuê đủ việc từ trồng mì (sắn) thuê đến làm nghề mộc. Năm 1987, sau khi đã có một khoản tích góp, ông quyết định mua đất dựng nhà để ổn định cuộc sống.
Với 3.000 m2 đất, ông Binh trồng đủ loại khoai, mì. Trong điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, đất đai cằn cỗi, những loại cây này không thể giúp gia đình ông ổn định cuộc sống. Câu chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng khiến ông trằn trọc nhiều đêm.
Năm 1990, được một người bạn giới thiệu, ông Binh lặn lội vào Đồng Nai tìm mua giống cây ăn trái và học hỏi kinh nghiệm. Sau vài tháng ông mang vài chục gốc chôm chôm giống về trồng. Một bên chân thương tật cũng là một trở ngại rất lớn đối với ông.
“Nhiều hôm đang đào hố trồng cây nhưng chân đau quá tôi đành phải nghỉ ngang. Hôm nào đỡ đau hơn thì tôi mới tiếp tục công việc được. Có nhiều lúc cũng cảm thấy mệt mỏi, chán nản, nhưng nghĩ đến vợ con, tôi lại cố gắng lao động”, ông Binh kể.
Chuyện ông Binh đưa cây ăn trái về Kon Tum trở thành đề tài bàn luận của hàng xóm, láng giềng. Đa phần ý kiến đều cho rằng ông Binh gàn dở. Ai cũng cho rằng cây ăn trái chỉ có thể phát triển tốt ở khu vực Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, còn ở Kon Tum chỉ có thể trồng mì, cao su. Có người còn thách ông Binh “trồng cây ăn trái nếu có hiệu quả thì mất gì cũng chịu”.
Thế rồi ngày qua ngày, ông Binh cứ tiếp tục thực hiện ý tưởng của mình. Ông quyết định xây dựng mô hình trồng cây ăn quả, trong đó chọn sầu riêng và chôm chôm là cây trồng chủ lực. Những ngày đầu khó khăn vất vả, hai vợ chồng ông cả ngày lăn lộn bên vườn cây. Những bước đi khá khó khăn do bị thương tật nhiều lần và những ngày trái gió trở trời vết thương lại đau nhức, nhưng ông Binh không lấy đó làm nản chí.
Bằng ý chí, nghị lực của người lính, ông Binh cần mẫn chăm sóc cho vườn cây phát triển. Thế rồi chỉ một thời gian sau, những cây giống đưa từ Đồng Nai về đã bật chồi non, vươn cao ngọn biếc. Sau 4 năm, vườn cây chôm chôm bắt đầu cho thu hoạch. Khi những quả ngọt đầu tiên được hái xuống, ông Binh biết mình đã thành công.
“Ban đầu tôi chỉ trồng thử nghiệm vài chục gốc. Nhưng thấy cây có hiệu quả nên tôi mạnh dạn mua thêm giống chôm chôm, sầu riêng, ổi… về trồng để phát triển vườn cây. Chỉ sau vài năm vườn cây đã cho thu hoạch và mang lại hiệu quả gấp mấy lần khoai sắn”, ông Binh kể lại.
Nhân rộng mô hình
Mỗi năm gia đình ông Binh có nguồn thu hàng trăm triệu đồng từ các loại cây ăn trái. Nhận thấy mô hình của ông Binh đạt hiệu quả, bà con lối xóm đến tham quan, nhiều hộ dân cũng tìm đến mô hình của ông để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây ăn trái. Sau vài năm, hiệu quả kinh tế từ mô hình này đã lan đến các xã, phường khác trên địa bàn TP.Kon Tum. Những vườn khoai, sắn cũng được người dân chuyển hẳn sang trồng cây ăn trái.
Ông Lê Thanh Miền, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh P.Trần Hưng Đạo (TP.Kon Tum), cho hay mặc dù là thương binh hạng 2/4 nhưng ông Võ Duy Binh đã nỗ lực vượt lên những khó khăn trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương. Không những vậy, ông Binh còn là người đầu tiên đưa mô hình cây ăn trái về TP.Kon Tum. Từ sự thành công này, người dân nhiều xã, phường khác đã bắt đầu nhân rộng mô hình cây ăn trái để phát triển kinh tế.
“Về kinh tế gia đình thì phải nói là nhiều người lành lặn chưa chắc đã làm được như ông Binh. Từ hai bàn tay trắng lập nghiệp, gia đình ông đã tích góp chút ít vốn liếng làm vườn cây ăn trái. Thời kỳ này rất khó khăn, nhưng dù thương tật ở chân ông ấy vẫn tìm tòi, học hỏi và đi mua giống cây ăn trái từ các tỉnh khác về trồng. Ngoài ra, ông Binh rất tích cực trong công tác xã hội, năng nổ học hỏi, là người có uy tín trong khu dân cư”, ông Miền đúc kết.
(còn tiếp)
Bình luận (0)