Giết hay không giết, đó không phải là vấn đề

07/07/2012 09:48 GMT+7

Tình huống giả định là thế này (cũng không lạ lẫm gì vì trong thời gian qua có thể nó đã được nhắc đến nhiều): Một đoàn tàu hỏa mất phanh lao về phía 5 công nhân đường sắt. Ngàn cân treo sợi tóc, nhưng bạn có thể cứu họ…

Bạn có trong tay lựa chọn bẻ ghi lái đoàn tàu sang phải và nó sẽ đâm trúng một (chỉ một) công nhân khác, cứu được 5 người kia. Bạn có làm không?

 Triết gia, nhà báo, nhà văn người Đức Richard David Precht
Triết gia, nhà báo, nhà văn người Đức Richard David Precht - Ảnh: Jens Komossa

Giả định tiếp, bạn đang đứng trên cầu, trên đó còn có một ông béo, bạn có trong tay lựa chọn đẩy ông béo xuống chặn đoàn tàu, cứu 5 người công nhân. Bạn có làm không? Đó là câu hỏi 2.

Hai tình huống này do nhà tâm lý Marc Hauser (Đại học Harvard) nghĩ ra. Ông đã hỏi 30 vạn người trên thế giới (cả trên mạng và ngoài đời, nhiều quốc tịch, nghề nghiệp), kết quả: Với câu 1, hầu như tất cả sẽ bẻ ghi; Với câu 2, chỉ 1/6 tuyên bố đẩy ông béo.

Câu chuyện trên được triết gia Đức Richard David Precht nêu ra trong cuốn sách Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu? khá nổi tiếng gần đây. Cuốn sách xuất bản ở Việt Nam năm ngoái.

Còn nhớ, trong buổi giới thiệu sách hồi tháng 5, dịch giả cuốn sách là Lê Quang đã đưa 2 câu hỏi trên cho độc giả Việt Nam, khoảng 100 người. Chẳng có mấy người giơ tay.

Giết người cũng không ổn, mà không giết cũng không ổn. Người Việt từ chối chọn. Đủ thấy người Việt mình cực kỳ phân vân. Nhưng cũng thấy, người Việt vẫn còn vướng bận đạo đức hơn là những người nhanh chóng lựa chọn kia.

Trở lại với hai tình huống mà Marc Hauser nêu ra cùng các lựa chọn của ông, tôi có một thắc mắc nhỏ: “Bạn, tức tất cả mọi người, lấy quyền gì mà chọn giết hay không giết?”.

Bạn không phải là hóa công, hay Chúa, hay bất cứ một đấng nào đó bao trùm thế giới này. Quyền sống hay chết của một người (bất kể thân cận hay xa lạ) trong một tình huống như thế không phải do bạn quyết định.

Tình huống ngăn chặn một cái chết khiến tôi nhớ lại phim truyền hình Phép thuật của Mỹ, khi cô phù thủy Phoebe năm lần bảy lượt tìm cách thay đổi cái chết của Miles, bạn trai mình.

 

Dùng phép thuật của mình và các chị em phù thủy trong gia đình, Phoebe đã làm tất cả- đoán trước cái chết, kéo người yêu lên khỏi ban công khi anh ngã, chặn viên đạn bay đến với anh…

Hết lần này đến lần khác, ngay khi Miles vừa chết, cô lập tức trở về quá khứ, sửa chữa lại mọi thứ, và anh vẫn sống. Cứ thế 6 tháng trời. Cho đến khi những người liên quan bắt đầu thấy kỳ quặc.

Chẳng có sự trùng hợp kỳ diệu nào liền tù tì như thế được. Miles phải chết là Miles phải chết. Số phận của anh là thế. Nếu Phoebe cứ cố gắng thay đổi điều đó thì chính cô phải chết. Đó là phim nói thế.

Nhưng phim, cho dù về phù thủy đi chăng nữa, thì cũng nói lên sự thật. Phải thừa nhận là, đánh đổi cái chết của một hoặc một số người bằng cái chết của một người khác, là việc vô lý và hoang đường nhất tôi từng nghe. Và nó không nằm trong khả năng quyết định của một người nào khác, hay chính là “bạn” trong giả định của Marc Hauser.

Nói đơn giản nhé, “bạn” không có quyền.

Bạn chọn giết hay không giết thì cũng chẳng phải vấn đề vì ngay từ đầu, ở đây tôi nói trong cuộc sống chứ không phải trong giả định, thì đạo đức đã chẳng cho bạn cái quyền đó.

Đâu phải cứ khiến nhiều người hạnh phúc là nó phải xảy ra. Chẳng hạn, 5 công nhân đường sắt và người nhà của họ hạnh phúc, nhưng ông béo và người nhà ông ta thì không.

Bạn đẩy ông béo, vậy bạn làm thế nào để đối mặt với người nhà ông ấy đây? Người vợ chẳng hạn, bà rất yêu ông chồng. Bạn nhìn vào mắt người vợ, nói dõng dạc: “Chồng chị chết là đúng vì tôi-đã-quyết-định đẩy chồng chị xuống để 5 người khác được sống”. Giết một người đổi lấy 5 người, đáng quá đi chứ?

Bạn không nói được phải không?

Về khía cạnh dân tộc thì tôi mong đa số người Việt không nói được điều đó. Cũng như họ đã không chọn cả bẻ ghi tàu lẫn đẩy ông béo.

Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu? đầy rẫy những tình huống giả định như vậy, qua đó trình bày các nguyên lý triết học mà tác giả Precht phát hiện hoặc phát triển từ các triết gia lớn trước đó.

Kết hợp các tình huống thực tiễn và tư duy triết học, Precht đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Tình yêu là gì, Hạnh phúc là gì, Có được phá thai, Có được ăn thịt động vật, Tại sao nên bảo vệ môi trường… Qua đó, để lý giải sự tồn tại của con người và giá trị của sự tồn tại đó, đúng với nhan đề Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu?

Cuốn sách là best-seller ở Đức, đất nước của triết học, nhưng tôi e rằng điều tương tự khó xảy ra ở Việt Nam.

Theo Mi Ly / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.