Giết rùa biển và khoe ảnh trên Facebook: Cộng đồng phẫn nộ

19/04/2019 18:36 GMT+7

Những ngày qua, nhiều tài khoản Facebook, các Fanpage chung cảm giác phẫn nộ khi hình ảnh một thanh niên giết thịt rùa biển và khoe ảnh lên Facebook cá nhân.

Mới đây, Fanpage Save Côn Đảo và Saigon Compass đã đồng loạt chia sẻ những hình ảnh giết, xẻ thịt rùa biển và khoe chiến tích “ngày nào cũng ăn thịt rùa biển” được chủ tài khoản Chi Yeu Mik Em đăng tải cách đây vài ngày. Chủ tài khoản này rất hả hê khi khoe các hình ảnh con rùa từ lúc còn nguyên cho tới bị xả làm nhiều miếng nhỏ.
Save Côn Đảo và  Saigon Compass viết: "Người đàn ông này lên một số nơi và khoe về việc ăn thịt rùa biển mỗi ngày...".
Ngay sau đó, bài viết của hai Fanpage với đông đảo thành viên yêu môi trường đã nhận được hàng trăm bình luận, cảm xúc giận dữ của cộng đồng mạng. Nhiều bạn trẻ cho biết, họ mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, tìm ra chủ tài khoản trên và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
 
Hình ảnh giết rùa và xẻ thịt con vật được khoe công khai trên Facebook Ảnh chụp màn hình
Cho đến trưa nay, 19.4, chúng tôi vẫn truy cập vào được tài khoản Chi Yeu Mik Em, bài viết và hình ảnh về việc xẻ thịt rùa đã bị xóa. Tuy nhiên, trong các phần bình luận tại các bài viết mới, khi có người vào hỏi anh này về những hình ảnh giết rùa, anh này vẫn thách thức dư luận bằng những câu như “tới đây cho mấy kg ăn chơi”…
“Chúng tôi mong muốn cộng đồng mạng cùng nhau chia sẻ để tìm ra người đàn ông có hành vi man rợ này. Đến nay, vẫn rất nhiều người có tâm lý ăn thịt rùa để giải xui, mong gặp chuyện may mắn, thật kinh khủng cho suy nghĩ đó. Giết hại rùa biển, động vật nằm trong sách đỏ Việt Nam đã là hành vi vi phạm pháp luật, anh này còn ngang nhiên công khai những hình ảnh này trên trang cá nhân như một việc làm rất đáng để khoe”, Nguyễn Ánh Tuyết, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM bày tỏ.
Chị Tạ Thùy Trang, sáng lập cộng đồng Saigon Compass (chuyên phối hợp và hỗ trợ các sự kiện mang tính cộng đồng), cho biết gần đây những câu chuyện lên án, bày tỏ phẫn nộ với việc giết hại động vật hoang dã, động vật quý hiếm được chia sẻ mạnh mẽ trong cộng đồng, chứng tỏ nhận thức của người trẻ về vấn đề này đang được nâng cao. Chị Trang cũng hy vọng, trong câu chuyện giết hại rùa biển trên, cộng đồng cùng lên tiếng, giúp cơ quan chức năng cùng vào cuộc.
Đã xóa bài viết, nhưng trong phần bình luận, chủ tài khoản này vẫn thách thức cộng đồng mạng khi mọi người lên án hành vi này Ảnh chụp màn hình
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên Trường ĐH y dược TP.HCM, thành viên trong cộng đồng Bảo vệ biển Việt Nam (Save Our Seas Việt Nam), cho hay trong ngày hôm nay cô cũng rất bất ngờ khi thấy những hình ảnh một người ngang nhiên khoe ảnh giết rùa trên Facebook.
“Nhìn từ góc độ những người bảo vệ biển, đặc biệt những người biết rằng rùa có nguy cơ tuyệt chủng, việc làm giết thịt rùa biển và khoe ảnh Facebook trên không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là với những người dân đi biển, nếu họ bắt được rùa, họ thường mang giết thịt hoặc đem bán. Vấn đề bảo vệ rùa biển, bảo vệ môi trường biển không được nhiều địa phương chú trọng, phổ biến cho các ngư dân, nên nhiều người dân không hề biết việc mình làm là vi phạm pháp luật”.
Tại Việt Nam, đã xác định được 5 loài rùa biển đang sinh sống, đó là các loài vích (Chelonia mydas), quản đồng (Caretta caretta), đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea), đồi mồi (Eretmochelys imbricata), rùa da (Dermochelys coriacea). Trong số đó, trừ loài quản đồng (Caretta caretta) cả 4 loài còn lại đều đang hoặc đã từng đẻ trứng trên các bãi biển của Việt Nam.
Các quần thể rùa biển dọc vùng biển Việt Nam đã chịu những tác động mạnh mẽ của con người trong nhiều thập kỷ. Rùa biển và trứng của chúng đã bị khai thác làm thức ăn, làm thuốc, bị buôn bán và sử dụng để chế tác mai rùa, mẫu nhồi và đồ mỹ nghệ.
Căn cứ trên các báo cáo nghiên cứu của Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, IUCN Việt Nam, WWF - Đông Dương, Vườn Quốc gia Núi Chúa và Vườn Quốc gia Côn Đảo, các loài ngày càng hiếm nhất là đồi mồi và rùa da. Ngoài ra, những tác động gián tiếp và đánh bắt không chủ ý của nhiều hoạt động khai thác thủy sản khác cũng chưa được đánh giá chi tiết và chính xác. Hậu quả là tất cả các loài rùa biển đều được/bị đưa vào Sách Đỏ của Việt Nam.
Nguồn: Chương trình Bảo tồn rùa biển IUCN (www.iucn.org)
Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm được quy định, hướng dẫn tại Điều 244 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể người nào vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.