Với sự đồng thuận của chính quyền và người dân, có sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức quốc tế..., hàng ngàn di tích có nguy cơ sụp đổ đã được tu bổ, tôn tạo, cứu nguy.
Quyên góp tu bổ đình làng
Trước năm 1990, phố cổ Hội An vẫn còn ít được biết đến. Lúc đó, dù kinh tế còn khó khăn, nhưng cán bộ BQL di tích và dịch vụ du lịch Hội An (tiền thân của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An) đã mở nhiều cuộc triển lãm về Hội An tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM nhằm quảng bá di sản. Năm 1989, trong một lần triển lãm tại TP.HCM, người dân đã quyên góp ủng hộ Hội An khắc phục bão lũ, trùng tu đình làng Cẩm Phô.
Đình làng của người Việt
Làng Cẩm Phô là một trong những làng hình thành khá sớm tại Hội An. Trong Ô Châu cận lục (thế kỷ 16), tác giả Dương Văn An khi liệt kê các xã ở huyện Điện Bàn đã đề cập đến xã Cẩm Phô. Làng Cẩm Phô từng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương nghiệp của thương cảng Hội An. Trước đây, đình làng tọa lạc ở Cẩm Nam, về sau do bị xói lở nên người dân dời về địa điểm hiện nay (52 Nguyễn Thị Minh Khai, thuộc P.Cẩm Phô).
|
Đây là một đình làng người Việt có kiến trúc hoàn chỉnh, tiêu biểu với không gian cây đa, bến nước, sân đình. Đình xây về hướng đông-nam, theo hình chữ đinh. Từ ngoài đường Nguyễn Thị Minh Khai nhìn vào, có tam quan lớn xây bằng gạch, trên đỉnh hai trụ biểu gắn chìm tạo hình hai búp sen nở và hai quả cầu lớn. Tiền đình được xây dựng theo kiểu 4 mái, nối tiếp tiền đình là chính điện 5 gian, hai bên tiền đình là nhà đông - nhà tây. Đình làng từng được trùng tu năm 1818, do dân làng Cẩm Phô bảo quản, cúng tế hằng năm. Sau năm 1975, di tích trở thành kho của một HTX. Đến năm 1989, HTX đã giao đình lại cho chư phái tộc làng Cẩm Phô. Lúc này, đình làng hư hỏng, xuống cấp; thêm trận bão số 2 năm 1989 gây thiệt hại lớn. Tháng 12.1990, BQL di tích và dịch vụ du lịch Hội An đã đầu tư kinh phí tu bổ...
Người dân TP.HCM giúp giữ di tích
UBND TX.Hội An (lúc đó) quyết định cấp kinh phí để BQL di tích và dịch vụ du lịch Hội An mang hiện vật, bản vẽ phố cổ Hội An đi TP.HCM trưng bày, giới thiệu cho người dân phía nam biết về một Hội An cổ kính, trầm mặc... Ông Nguyễn Đức Minh, trưởng đoàn, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nhớ lại: “Lúc đó, Phòng Tài chính chỉ cấp 4 triệu đồng. Nhưng người tiền trạm báo tin chi phí thuê 10 ngày tại Nhà văn hóa Thanh Niên đã hết 1 triệu đồng. Có tiết kiệm mấy cũng khó!”. Thế nhưng, từ kết quả triển lãm tương tự tại Đà Nẵng (thu hút hơn 10.000 người đến xem) đã thôi thúc BQL phải “mang” Hội An đến với người dân TP.HCM.
Cuối cùng, triển lãm cũng thành công. “Đến bây giờ, nhiều cán bộ trong đoàn vẫn còn nhớ tình cảm mà người dân TP.HCM và các đơn vị đã động viên, chia sẻ, ủng hộ”, ông nhớ lại. Sau đó, đoàn mở triển lãm tại Nhà hát Hòa Bình, Nhà văn hóa Tân Bình… và được đơn vị quản lý miễn phí thuê mặt bằng (kể cả lần triển lãm ở Nhà văn hóa Thanh Niên). Chưa kể nhiều đơn vị khác còn bao ăn ở, cho mượn panô, vật liệu trưng bày… Nhiều người dân TP.HCM, trong đó có các cụ già quê Quảng Nam, Hội An tỏ ra xúc động khi bắt gặp ký ức xưa cũ. Khi nhìn hình ảnh bão số 2 tàn phá Hội An qua video, nhiều người không cầm được nước mắt và chung tay quyên góp. Số tiền quyên góp lên đến 900.000 đồng, đấy là khoản tiền đầu tiên quyên góp tại TP.HCM và được sử dụng để trùng tu, sửa chữa mái tây đình làng Cẩm Phô. Việc tu bổ kịp thời đình làng Cẩm Phô đã kịp cứu một “di tích sống” để giúp hình dung về lịch sử hình thành làng xã Hội An vào thế kỷ 15.
Nhưng không chỉ có đình làng Cẩm Phô. Bây giờ, du khách có nhìn thấy tấm bia được UBND TP.Hội An trang trọng đặt tại đình làng Hội An (số 3 Lê Lợi), ghi nhớ những đóng góp tích cực của chính quyền, nhân dân TP.HCM cho quá trình trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di tích này vào năm 1992. Tại đây từng được tu bổ 2 lần vào năm 1911 và 1921. “Cùng với bước chân khẩn hoang của người Việt, nhiều làng xã ra đời. Ngôi đình hình thành, phát triển ở Hội An đã trở thành biểu trưng văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng dân cư. Xuân thu nhị kỳ, cả làng nô nức về ngôi đình của làng mình cùng nhau tổ chức nghi lễ cúng tế”, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nói thêm về vai trò của các đình làng ở Hội An. (còn tiếp)
Người dân ngăn lính Hàn “trộm” linh cẩu
Theo ông Nguyễn Đức Minh, trước năm 1975 từng xảy ra vụ mất cắp linh cầu ở di tích Chùa Cầu. Cụ thể, có tốp lính Hàn đi ngang qua, thấy cặp tượng linh cẩu quá đẹp liền đánh cắp. Theo một số bô lão kể lại, người dân như có ai “mách bảo” đã kịp kéo đến chặn đường. Ban đầu, tốp lính này hùng hổ, gương súng dọa bắn, nhưng rồi phải nhượng bộ trước sự quyết liệt, khôn khéo của người dân. Tuy nhiên, chúng chỉ trả lại 1 tượng. Đòi lại 1 tượng, người dân cất giữ kỹ; năm 1986, khi Chùa Cầu trùng tu, họ mới giao lại cho chính quyền Hội An. Lúc này, GS-TS Hoàng Đạo Kính và chính quyền Hội An quyết định tìm thợ có tay nghề, mua gỗ tốt đẽo lại tượng.
Đáng chú ý, lần tu bổ năm 1986 được xem là đợt trùng tu lớn nhằm phục hồi nguyên trạng hình hài Chùa Cầu, do Xưởng tu bổ di tích T.Ư phối hợp với UBND TX.Hội An (nay là TP.Hội An) thực hiện. Theo ông Nguyễn Chí Trung, đây là công trình trùng tu di tích đầu tiên ở Hội An sau 1975; trả lại nguyên trạng sàn chùa cong (thời thuộc Pháp từng bị… cắt sàn gỗ, bắc dầm sắt thay thế, hạ sàn cầu để tiện đi lại).
Trong khi đó, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư TP.Hội An, tiết lộ lần trùng tu phần hạ bộ (phần mố cầu và dầm tường) năm 1996 là “hết sức liều lĩnh”. Trước áp lực của thiên tai, nếu không tu bổ kịp thời Chùa Cầu có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, chính quyền Hội An họp với đơn vị tư vấn, thi công đúng 1 ngày để đưa ra phương án sửa chữa. “Hồi đó, nhìn mấy ông bên thi công đưa kích thủy lực đến nâng phần cầu lên để gia cố mố cầu mà run. May, mọi việc đều êm thuận”, ông Sự nói.
|
Bình luận (0)