Lý giải điều này, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cho biết do về nguyên tắc “phải xem xét trên tổng thể và cụ thể trực tiếp từng cá nhân”, không phải vấn đề cấp dưới hay cấp trên.
Để hàng ngàn công trình sai phạm xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn trong suốt cả chục năm, nhưng cao nhất cũng chỉ có 1 nguyên chủ tịch huyện (đã về hưu) bị cảnh cáo, 2 phó chủ tịch huyện (1 đương chức, 1 nghỉ hưu khác) bị khiển trách và cảnh cáo: trong khi có đến 22 người không bị xử lý vì hết thời hiệu, ốm, chữa bệnh...
Để xảy ra những sai phạm tày đình như Mường Thanh, nhưng cũng chưa thấy cán bộ cấp cao nào bị xử lý, kỷ luật, ngoài một số cán bộ cấp phường, đội trật tự xây dựng, phó chánh thanh tra xây dựng...
Điểm danh 3 vụ xử lý cán bộ nóng bỏng nhất của Hà Nội thời gian này để thấy rằng, dù với bao nhiêu nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc ra các quy định ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu, quy định nêu gương... thì trong thực tế vẫn là “đường, sữa phát từ trên xuống”, “cuốc, xẻng phát từ dưới lên”.
Ai cũng hiểu rằng những sai phạm tày đình như trên không thể vài cán bộ cấp phường, xã có thể “bảo kê”, “đỡ đầu”. Thế nhưng khi sự việc vỡ lở, thì chỉ cán bộ cấp này phải giơ đầu chịu báng, có thể vì họ là người ký vào văn bản nọ, quyết định kia; còn các vị “quan trên” thì không có vết nào cả.
Thậm chí, trong sự việc của người nhà Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Mạnh Quyền, thì ông này còn được ghi công là tích cực vận động người nhà trả lại đất, trên thực tế không có một thiệt hại nào. Thử hỏi nếu vụ việc không được phanh phui thì liệu ông Quyền có nhiệt tình vận động người nhà như vậy?
Không thể phủ nhận rằng từ quy định đến thực tế luôn có khoảng cách, kỷ luật cán bộ phải dựa trên bằng chứng. Tuy nhiên, nếu quy định khác một trời một vực so với thực tế, so với nhận thức thông thường của đa số người về công lý, lẽ phải, thì cái sai hẳn là ở quy định, hay có thể là cách “vận dụng” quy định.
Nếu cứ cấp sai hàng chục héc ta đất cho người nhà, rồi bị phát hiện lại vận động trả lại, sẽ được hưởng lượng khoan hồng, thì có ai sợ gì mà không cấp sai? Mối lợi là quá lớn, mà nguy cơ lại quá nhỏ, vô hình trung làm cho người ta khinh nhờn luật.
Mỗi sai phạm được nương tay sẽ là một “phát đạn” vào sự nghiêm minh của pháp luật, vào uy tín của nhà nước.
Nếu những người cố tình vi phạm pháp luật lại có lời, thì người lỗ chính là nhà nước. Đặc biệt, cái “lỗ” còn lớn hơn nhiều, nếu những người cố tình đó lại là cán bộ cấp cao.
Bình luận (0)