Giờ nào người bệnh tim đại kỵ?

04/04/2012 10:31 GMT+7

Dưới ảnh hưởng khi nhanh, khi chậm, khi trồi, khi sụt của nhịp sinh học thì chức năng của hệ tuần hoàn không cố định suốt ngày mà thay đổi, thậm chí với sai biệt đáng kể. Chính vì thế, người bệnh tim khó tránh khỏi những thời điểm nhạy cảm khiến bệnh có thể từ nhẹ thành nặng một cách đáng tiếc

Dưới ảnh hưởng khi nhanh, khi chậm, khi trồi, khi sụt của nhịp sinh học thì chức năng của hệ tuần hoàn không cố định suốt ngày mà thay đổi, thậm chí với sai biệt đáng kể. Chính vì thế, người bệnh tim khó tránh khỏi những thời điểm nhạy cảm khiến bệnh có thể từ nhẹ thành nặng một cách đáng tiếc

Có hai thời điểm đặc biệt nghiêm trọng cho người bệnh tim mạch và theo quan điểm đông y thì đều là giờ hoàng đạo của can kinh, đường kinh liên hệ mật thiết với huyết áp và tính thẩm thấu của thành mạch. Đó là trong khoảng 11 giờ đến 13 giờ và từ 23 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau. Biến chứng của bệnh tim mạch rất dễ bộc phát vào lúc đúng ngọ và khi bắt đầu vào giờ của ngày mới là vì:

- Huyết áp có khuynh hướng nhích lên trong khoảng từ 11 giờ đến 13 giờ, nghĩa là mạch máu căng hơn. Tình trạng này càng rõ nét hơn nữa dưới ảnh hưởng của nhiệt độ bên ngoài, càng nhanh chân hơn nữa nếu ăn bữa trưa vừa quá nhanh vừa quá no. Bằng chứng là không thiếu người ngất xỉu khi trời quá nóng hoặc bất tỉnh ngay trên bàn cơm.

Khi ghi nhận nhiệt độ cao của môi trường bên ngoài, cơ thể phản ứng bằng cách trương mạch ngoài da đồng thời đổ mồ hôi để thoát nhiệt bên trong cơ thể. Phản ứng trương mạch ngoài da nếu kéo dài quá lâu là lý do khiến lượng máu đổ ra da càng lúc càng nhiều. Tình trạng tương tự cũng xảy ra nếu ăn quá no khiến tim phải dồn máu về bao tử.

Hậu quả là nhiều nơi khác khó tránh thiếu máu, nghĩa là sớm muộn cũng kéo theo thiếu dưỡng khí. Nếu xảy ra ở thành tim thì nhồi máu cơ tim là chuyện khó tránh, nếu não bộ là hiện trường thì đột quỵ không cần mời cũng đến.

- Ngay trong điều kiện bình thường, dòng máu vẫn trở nên đậm đặc hơn vào lúc gần giữa đêm. Mạch máu vì thế dễ bị tắc nghẽn, phình trướng, thậm chí đứt đoạn do áp lực nội mạch tăng nhanh bởi máu quá sệt. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn nữa nếu lượng mỡ trong máu của gia chủ đã vượt chỉ tiêu. Máu càng thêm phần đậm đặc nếu gia chủ vào giờ đó còn mang việc bên mình, còn kéo theo stress vào giường.

Khi đó, do tác động thái quá của nội tiết tố tuyến thượng thận trong tình huống stress chiếm thế thượng phong, cơ thể phản ứng sai lệch với tín hiệu báo động không đúng lúc khiến mạch máu co thắt, dòng máu chậm lại, chất đông huyết bội tăng, cứ như cơ thể đang đứng trước nguy cơ xuất huyết. Mạch máu căng quá cũng khó tránh mau đến lúc bứt đường chỉ. Khi đó xuất huyết não, chảy máu đáy mắt, tụ máu cầu thận… đồng thanh “thay lời đáng tiếc”!

Ai đó khi bàn về kinh Dịch đã viết “thắng thua chẳng qua chỉ một chữ thời”. Thuận thời thì còn đường ăn thua, nghịch thời thì ba đầu sáu tay cũng thua ngay trên sân nhà. Với người bệnh tim mạch cũng thế, nhiều khi chỉ nhờ biết đúng lúc tiến thoái mà khỏi kêu xe cấp cứu!

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.