Giỗ tổ Hùng Vương - trăm họ một nhà

16/04/2016 07:34 GMT+7

Giỗ tổ Hùng Vương là dịp nhắc người dân cả nước không quên mình là thành viên trong một gia đình lớn quốc gia, dân tộc.

Giỗ tổ Hùng Vương là dịp nhắc người dân cả nước không quên mình là thành viên trong một gia đình lớn quốc gia, dân tộc.

Nghi lễ Giỗ tổ vua Hùng - Ảnh: Ngọc ThắngNghi lễ Giỗ tổ vua Hùng - Ảnh: Ngọc Thắng
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, cho rằng tín ngưỡng Hùng Vương, Giỗ tổ Hùng Vương là một hệ ý thức quốc gia đến với người dân qua huyền thoại.


Thời Nguyễn, triều đình vẫn cử đại diện ra tế, lại cấp mấy chục cân gạo để người dân nấu xôi cúng. Người dân có chỗ đứng trong việc cúng vua Hùng. Giờ chúng ta cũng phải để cho người dân có chỗ như thế. Không được nhà nước hóa, quan hóa Giỗ tổ. Bệnh đó phải khắc phục




* Nếu cần nói thật ngắn gọn nhất về giá trị của tín ngưỡng Hùng Vương, của ngày Giỗ tổ, ông sẽ nói sao, thưa GS?
- Tín ngưỡng Hùng Vương, nói cho cùng là một hệ ý thức đến với người dân trên đôi cánh của huyền thoại. Bằng huyền thoại về Lạc Long Quân và Âu Cơ, chúng ta ý thức về cội nguồn giống nòi của người VN. Đến lúc cần không gian để sinh tồn và phát triển thì ta có ý thức đấu tranh với tự nhiên qua huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh. Ý thức chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc lại gửi qua truyện Thánh Gióng. Chử Đồng Tử - Tiên Dung lại chuyển tải ý thức về cuộc sống tự do, hạnh phúc, dân chủ và công bằng.
Nhưng giá trị lớn nhất của nó chính là sự gắn kết quốc gia, dân tộc.
* Quốc gia nào cũng có gắn kết quốc gia dân tộc. Vậy cách gắn kết của chúng ta qua tín ngưỡng Hùng Vương và hiện nay có gì khác không, thưa ông?
- Người Trung Quốc gắn kết quốc gia rất khác ta. Họ đặt quốc gia trên tình cảm gia đình. Nên ở nhà người vợ gọi chồng là “tướng công”. Còn người VN lại đặt gia đình trên hết. Vì thế ra đến xã hội mà vẫn cư xử kiểu như ở gia đình. Xưng hô như trong nhà: cháu, chú, bác... Nên mình lại có hệ quả là cư xử kiểu chín bỏ làm mười. Cái làng cũng như một gia đình. Rồi đến quốc gia cũng như một gia đình. Lấy cái tình hơn là cái lý.


Tái tạo sức mạnh quốc gia dân tộc, tập hợp xã hội
Theo TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo, chúng ta chung một ông tổ thì có trách nhiệm với ông tổ đó, cùng nhau bảo vệ quốc gia đó. Ý nghĩa biểu tượng của tín ngưỡng Hùng Vương là như thế. Nó cung cấp một giá trị chung nhất và tiêu biểu nhất. Sau nhiều năm không công nhận, chúng ta lại ghi nhận tín ngưỡng Hùng Vương như một nghi lễ quốc gia. Đây là một lần tái tạo lại sức mạnh của quốc gia dân tộc. Nó không chỉ là việc tôn vinh truyền thống mà chính là sử dụng biểu tượng này để tập hợp trong xã hội hiện đại.


Nó bắt nguồn từ việc quốc tổ là một thứ tổ tiên, ông bà, dòng họ. Tín ngưỡng Hùng Vương ràng buộc cả nước trong một mối quan hệ gia đình. Rồi tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ để nói về các ngày giỗ cũng lấy khung cha mẹ gia đình.
Về phương diện nào đó điều này cũng hay. Nhưng cư xử như thế thì những việc nhà nước cần làm triệt để rất khó. Nhìn sang Trung Quốc sẽ thấy quan hệ của họ là quan hệ xã hội, quan hệ kỷ cương, quan hệ cao - thấp. Nếu có việc gì cần làm triệt để, họ làm triệt để hơn ta.
* Hệ thống thờ cúng liên quan đến vua Hùng có nhiều không thưa ông?
- Nhiều vị đấy. Nhiều vị thần khi đọc thần phả thì thấy cũng đều là vua Hùng cả. Chẳng hạn, ở trên đền Thượng ở khu di tích Đền Hùng có thờ Cao Sơn Đại Vương. Cao Sơn là núi cao. Cao Sơn Đại Vương là một vị thần núi. Vua Hùng là lớp sau trùm lên những vị thần núi phía trước. Cho nên, có thể nói thờ Hùng Vương cũng là phát triển của thờ thần núi.
* Vậy tỷ lệ thờ thần núi - thần nước ở VN ra sao?
- Tỷ lệ thờ thần núi - thần nước ở VN tương đương với nhau, vì có núi có nước mà. Như là đối lập âm dương vậy. Nhưng nước trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh bị coi là xấu vì gốc dân tộc là núi mà. Văn hóa Đông Sơn đó. Nó cũng phù hợp với tâm thức đấu tranh thì núi luôn thắng.
* Theo ông, khi thờ cúng Hùng Vương, chúng ta cần chú ý để tránh biến tướng gì không tốt?
- Tôi nghĩ, cần tránh việc nhà nước hóa Giỗ tổ Hùng Vương. Ngày trước có 6 làng lo việc giữ chân nhang. Họ rước vua, có những phong tục nghi lễ của họ trong dịp giỗ. Chúng ta từng can thiệp bắt bỏ. Sau một thời giờ lại được phục hồi trở lại. Nghiên cứu những làng này vẫn thấy các trò chơi riêng.
Thời Nguyễn, triều đình vẫn cử đại diện ra tế, lại cấp mấy chục cân gạo để người dân nấu xôi cúng. Người dân có chỗ đứng trong việc cúng vua Hùng. Giờ chúng ta cũng phải để cho người dân có chỗ như thế. Không được nhà nước hóa, quan hóa Giỗ tổ. Bệnh đó phải khắc phục.
Tất nhiên, đấy là quốc tổ, quốc giỗ thì phải có quan chức. Nhưng phải có người dân, phải có các hoạt động của họ. Có năm tôi thấy có lễ hội đường phố, có các hoạt động trò chơi dân gian cho dân. Các làng ở đền Hùng cứ nhìn Hội Gióng mà làm. Hội Gióng sát cạnh Thăng Long mà vẫn giữ nguyên được tính cộng đồng trong lễ hội.
Trả lễ hội về cho người dân
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Thọ, năm nay chủ trương của tỉnh là trả lễ hội về cho người dân.
Theo đó, người dân về dự Giỗ tổ được chiêm ngưỡng và cho ý kiến chọn lựa các phác thảo sáng tác tượng đài Hùng Vương. Ba phương án chọn từ 21 phác thảo dự thi được trưng bày tại Sân lễ hội, khu di tích lịch sử Đền Hùng. Người dân nhận phiếu bầu, sau đó ghi lựa chọn của mình theo mã số tượng và bỏ vào thùng. Cùng với ý kiến hội đồng nghệ thuật, đây sẽ là cơ sở để xây dựng tượng đài. Dự kiến, tượng đài Hùng Vương sẽ nằm trên đồi Phân Bùng, khu vực phía sau sân khấu trung tâm lễ hội, khu di tích lịch sử Đền Hùng, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Cũng theo bà Chinh, triển lãm ảnh Nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, bản sắc cội nguồn dân tộc cũng đang hút khách mỗi ngày hàng ngàn lượt người. Nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trưng bày hiện vật của đồng bào cung tiến vua Hùng. Cũng tại đây, có tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân. Trong ngày Giỗ tổ 10.3, chương trình Hát xoan làng cổ tổ chức tại đình Thét, xã Kim Đức và đình Hùng Lỗ, xã Hùng Lỗ, TP.Việt Trì.
Bên cạnh đó, các hoạt động của cộng đồng như lễ hội đường phố và giải bơi chải đều có số người dân, khách du lịch tham dự lên tới hàng triệu người. Tiến tới, tỉnh sẽ trả các hoạt động này về cho TP.Việt Trì tự tổ chức.
Mọi phàn nàn về an ninh trật tự, giá cả dịch vụ, người dân có thể liên lạc qua đường dây nóng: 02103860026 và 02106551666.

5,7 triệu lượt người tham quan
Theo Sở VH-TT-DL Phú Thọ, tính từ ngày 12 - 15.4 đã có 5,7 triệu lượt người tới tham quan đền Hùng. Vì miễn phí vé tham quan đền Hùng nhân Giỗ tổ, ban tổ chức đưa ra con số ước tính dựa trên lượng ô tô, xe máy tới gửi giữ tại các bãi. Hiện tại, các bãi xe luôn trong tình trạng kín chỗ.
Việc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại lễ hội được các đội thanh tra liên ngành rà soát thường xuyên. Đã có tới 40 cơ sở bị phạt vì không niêm yết giá, hoặc giấu bảng niêm yết giá. Số tiền phạt lên tới hơn 130 triệu đồng.
Đường dây nóng tới nay mới tiếp nhận có 2 trường hợp gọi tới. Một trường hợp liên quan đến niêm yết giá, một liên quan đến bãi trông xe tự phát. Ban tổ chức đã xử lý ngay. Các hộ này sẽ phải kiểm điểm ở khu dân cư. Năm ngoái, trường hợp bán bát canh cua giá 800.000 đồng cũng đã nhận kiểm điểm như vậy và năm nay hộ này không được phép kinh doanh.
Lễ rước kiệu về đền Hùng - Ảnh: TTXVN
Lễ rước kiệu về đền Hùng - Ảnh: TTXVN


Chọn mẫu tượng nào cũng cần phải chỉnh sửa
Về ba phác thảo tượng đài Hùng Vương, một thành viên ban giám khảo cho biết các mẫu tượng đều cho thấy sự nghiên cứu các tư liệu lịch sử văn hóa liên quan đến tín ngưỡng Hùng Vương. Cả ba mẫu đều là tư thế đứng, chỉ thế tay và chân khác nhau, hoặc để lên ngực, hoặc để lên cán kiếm, hoặc dang rộng như thể hiện giang sơn là của người Việt. Cả ba mẫu này, dù chọn mẫu nào cũng sẽ cần phải chỉnh sửa mới đưa vào xây dựng được.
Người dân ngắm để chọn phác thảo tượng đài Hùng Vương - Ảnh: Văn Trần
Người dân ngắm để chọn phác thảo tượng đài Hùng Vương - Ảnh: Văn Trần

Dạy truyền thống qua tem
Theo ông Hoàng Anh Thi, Chủ tịch CLB người chơi tem Viet Stamp, mỗi con tem về truyền thuyết Hùng Vương là một bài học văn hóa lịch sử.
Một mẫu tem về thời đại Hùng Vương - Ảnh: chụp trên trang vietstamp
Một mẫu tem về thời đại Hùng Vương - Ảnh: chụp trên trang vietstamp

Bài viết nhỏ giới thiệu tem về ngày Giỗ tổ 10.3 âm lịch trên trang Vietstamp thật đặc biệt. Nó có hình hai con tem đã lâu đời. Một, mẫu tem về lăng Hùng Vương phát hành năm 1960 ở miền Bắc nước ta khi ấy. Mẫu tem còn lại của chính quyền VN Cộng hòa phát hành năm 1974, khi nước ta còn chia cắt. Đúng như các nhà nghiên cứu vẫn nói, dù bị chia cắt, cả nước vẫn chung dòng máu Lạc Hồng, vẫn thờ Hùng Vương.
Theo ông Hoàng Anh Thi, tuy số lượng không quá nhiều nhưng cũng có khoảng chục bộ tem liên quan đến truyền thuyết Hùng Vương. Trong đó có tem về lăng Hùng Vương, về đồ đồng thời Hùng Vương, về truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, về Lạc Long Quân và Âu Cơ. Bộ tem mới nhất khi tín ngưỡng Hùng Vương thành di sản thế giới năm 2015. Cũng theo ông Thi, tem thời đại Hùng Vương không quá khó tìm. Song nó cũng có những con tem đẹp như tem của cụ Bùi Trang Chước vẽ lăng Hùng Vương, bằng nét mảnh với kỹ thuật như vẽ tiền giấy. Riêng bộ tem về Lạc Long Quân - Âu Cơ thì có nhiều mẫu và có thể lật giở như truyện tranh.
“Tôi nghĩ cũng nên có thêm nhiều bộ tem nữa về thời đại Hùng Vương. Bản thân chúng tôi cũng nhiều lần đề nghị có thêm tem về thời kỳ này. Đó là những bài học lịch sử văn hóa”, ông Thi nói. Chẳng hạn, đề tài bánh chưng bánh dày, theo nhiều người chơi tem, hoàn toàn có thể ra mẫu hằng năm vào độ tết đến, xuân về. Một đề tài như thế, khi ra đúng thời điểm, luôn luôn được người chơi tem chào đón.
Trinh Nguyễn
Lễ vật khủng chưa hẳn lòng thành
Trong khi Ban tổ chức lễ Giỗ tổ tại Đền Hùng từ chối mọi lễ vật “khủng” thì tại TP.HCM lại làm một chiếc bánh chưng nặng 2,5 tấn.
Khi công việc của 50 nhân công gói bánh kết thúc, chiếc bánh chưng trước khi cho vào nồi luộc có thành cao 0,6 m và diện tích bề mặt 2,5 m2. Chiếc bánh được gói tại TP.HCM này dự kiến sẽ được cắt cho khoảng 1.000 người ăn. “Tôi chắc chắn đây sẽ là cái bánh không ngon”, ông Nguyễn Việt, bếp trưởng chuỗi nhà hàng Ao Ta nói. Ông là người nhiều năm gắn bó với bếp Việt.
Theo ông Việt, chiếc bánh chưng ngon là nhờ các thành phần được tuyển lựa, được nấu vừa độ. Bánh chưng nếu gói lỏng tay sẽ nhão, chặt tay quá sẽ bị vỡ khi ép. Khi ép nước sau luộc, nếu ép dối sẽ không dền, ép kỹ quá lại dễ cứng và không dẻo mượt. Một chiếc bánh “khủng” làm dâng Giỗ tổ hầu như không có cơ hội đạt tới độ vừa vặn để ngon. Chưa kể, theo ông Việt, bánh như thế thì không biết chia kiểu gì khi mỗi lớp gạo đã dày khoảng 10 cm, gấp đôi độ dày của bánh chưng thường. “Chỉ là chạy theo sự phô trương lãng phí. Không ai ăn hết lại càng rõ lãng phí thực phẩm. Tô hủ tiếu khổng lồ phải bỏ đã là bài học rồi”, ông nói.
Trong khi tại TP.HCM, bánh chưng khủng được làm để dâng lễ thì chính tại “bàn thờ chính” ở Phú Thọ, ban tổ chức nói không với lễ vật khủng. “Chúng tôi không nhận các lễ vật khủng. Các địa phương về dâng lễ chỉ dâng mâm lễ nhỏ với những sản phẩm của quê hương mình”, ông Hà Kế San, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nói.
TS Nguyễn Quốc Tuấn, Phó viện trưởng Viện Văn hóa, cho rằng trước đây đã có những quy định các lễ cấp quốc gia như thế nào. Mọi nơi đều phải theo nghi thức đó. Tuy nhiên, điều đó giờ không còn nữa. “Thế nên bây giờ việc dâng lễ tùm lum. Cái này cần có bàn bạc giữa cộng đồng và chính quyền để dâng lễ cho ý nghĩa”, ông Tuấn nói.
GS Ngô Đức Thịnh cũng lưu ý việc dâng lễ phải nghiêm chỉnh. Như vài năm trước, không thể nói bánh dày dâng cúng độn xốp là nghiêm chỉnh được. “Dâng lễ như thế thì bậy bạ quá. Ngày trước các cụ vẫn nói lòng thành thắp một nén nhang. Với thần linh không cần nhiều, lòng thành là quan trọng. Dâng lễ khủng chưa chắc đã là lòng thành”, ông nói.
Ngữ Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.