Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Chu Tiểu Xuyên, người vốn thường 'ẩn dật', bỗng xuất hiện dày đặc bất ngờ tại Hội nghị G20 vừa tổ chức ở Trung Quốc, tích cực thuyết phục thế giới về 'sức khỏe' kinh tế nước nhà.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ (trái) trò chuyện cùng Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên tại Hội nghị G20 năm nay 2016 - Ảnh: AFP |
Theo AFP, ông Chu xuất hiện dày đặc tại Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm G20 tổ chức tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), và truyền đi nhiều thông điệp tích cực về nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Thống đốc PBOC được bổ nhiệm từ năm 2002 nhưng vẫn chỉ xuất hiện và gửi gắm thông điệp công khai vài lần mỗi năm. Song lần này, ông Chu có vẻ như luôn hiện diện tại nơi đại biểu 19 nước và Liên minh châu Âu (EU) tề tựu, bàn bạc về vấn đề đối phó với tăng trưởng toàn cầu.
Sau nhiều tháng im lặng, Thống đốc PBOC muốn giới đầu tư biết rằng nhân dân tệ (CNY) sẽ được giữ ổn định, bất chấp kinh tế Đại lục đang tăng trưởng chậm nhất trong 1/4 thế kỷ.
“Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn mạnh, không có cơ sở nào để tiếp tục hạ giá trị nhân dân tệ”, ông Chu nói tại cuộc họp báo hôm 26.2, ngày khai mạc Hội nghị G20 trước khi đưa ra một thông báo tương tự sau đó nửa giờ đồng hồ tại một buổi họp báo hiếm hoi của PBOC.
Giới chức Đại lục hiện gia tăng nỗ lực chưa từng có để thuyết phục các nhà đầu tư toàn cầu rằng nền kinh tế và tiền tệ nước này vẫn đang trong tình trạng tốt.
Các đại biểu tham dự Hội nghị G20 ở thành phố Thượng Hải năm nay - Ảnh: AFP
|
Tuy nhiên, vẫn có nghi ngại về thông điệp tuyên bố công khai của Trung Quốc. Nhiều quan chức tài chính cấp cao thế giới, trong đó có Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew, kêu gọi các quan chức Đại lục giao tiếp tốt hơn.
Các nhà đầu tư từng bị bối rối bởi những phát biểu dường như mâu thuẫn về nhân dân tệ của Trung Quốc. Nước này cam kết sẽ để tỉ giá linh hoạt hơn đồng thời hứa hẹn CNY vẫn sẽ ổn định “về cơ bản”. Thị trường tài chính đã và đang thường xuyên nhầm lẫn, lo ngại về quyết định của Bắc Kinh.
Đợt lao dốc chứng khoán và phá giá nội tệ vào giữa năm ngoái làm dấy lên các lo ngại về việc liệu Trung Quốc có khả năng tránh được “hạ cánh cứng” hay không. Giới phân tích cho rằng các nhà hoạch định chính sách Đại lục hạn chế dòng chảy tự do của thông tin mà thị trường vốn hiện nay đang cần.
“Việc các quan chức Trung Quốc bám vào những chương trình cải cách mà họ đề ra, giao tiếp truyền tải chính sách của họ rõ ràng trong một thế giới luôn lo lắng muốn biết lý do đằng sau các hành động được thực thi, là quan trọng”, ông Lew nói với các phóng viên ở Thượng Hải.
Ngoài ông Chu, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cương cũng đã trấn an các đại biểu góp mặt tại Hội nghị G20 rằng chính phủ nước này có khả năng xử lý tình hình. Dù thế, các nhà phân tích thế giới vẫn dự báo tăng trưởng kinh tế Đại lục trong năm nay chậm hơn so với mức 6,9% của năm ngoái và nhân dân tệ sẽ yếu hơn.
Bình luận (0)