Giới chuyên gia lạc quan về chiến lược đàm phán của Tổng thống Trump

27/02/2019 12:01 GMT+7

Ngay trước khi thượng đỉnh Mỹ-Triều bắt đầu, nhiều nhà phân tích đã có những bình luận tích cực về cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump để Triều Tiên tiến tới phi hạt nhân hóa.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều quan trọng diễn ra vào chiều nay 27.2, nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng chiến lược tiếp cận vấn đề của Tổng thống Donald Trump đã được định hình và có thể sẽ mang lại hiệu quả.
Chiến lược của Tổng thống Trump được thể hiện rõ qua việc đàm phán Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) hay đối thoại thương mại với Trung Quốc, đó là thể hiện sự cương quyết cao độ vào lúc đầu, đưa ra những tuyên bố cứng rắn và sau đó âm thầm cho cấp dưới tìm một thỏa thuận, nhượng bộ hợp lý.
Tổng thống Trump được cho là áp dụng chiến lược tương tự trong vấn đề bán đảo Triều Tiên. Trong thời gian gần đây, không ít lần ông nhấn mạnh về mối quan hệ tốt với Chủ tịch Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên, đồng thời ca ngợi tiềm năng phát triển của Triều Tiên nếu nước này chịu giải giới hạt nhân.
Việc làm cho Chủ tịch Kim cảm thấy được tôn trọng và an toàn tạo ra một động lực để thúc đẩy ông từ bỏ hoặc ít nhất là giới hạn chương trình vũ khí hạt nhân để đạt những lợi ích về kinh tế-ngoại giao, theo tờ New Zealand Herald đúc kết quan điểm của các nhà quan sát về Triều Tiên.
“Có tới 99% những gì Tổng thống Trump nói thì tôi không ủng hộ. Tuy nhiên, thật lạ là bản năng của ông ấy đã đúng về Triều Tiên”, chuyên gia Joel Wit, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng tham gia đàm phán với Triều Tiên cho biết. Ông Wit là nhà sáng lập trang 38 North chuyên về tin tức liên quan đến Triều Tiên và hiện là một chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chính sách Stimson (Mỹ).
Một số chuyên gia khác có kiến thức sâu rộng về Triều Tiên nhận định việc Tổng thống Trump sẵn sàng phá vỡ những quy tắc về chính sách ngoại giao để làm theo trực giác có thể là một lợi thế và là cách tốt nhất để đối thoại vào thời điểm này.
“Việc nối lại quan hệ nhanh chóng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, cùng với thượng đỉnh Singapore năm 2018 đã giảm đáng kể những căng thẳng và mối đe dọa chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Điều đó tạo ra không gian và thời gian để theo đuổi những giải pháp ngoại giao”, nhóm các chuyên gia về Triều Tiên tại đại học Stanford (Mỹ) viết trong một báo cáo.
[VIDEO] Trước thượng đỉnh Mỹ-Triều, Triều Tiên và Kim Jong-un là từ khóa nóng trên Google
Mặc dù có những nghi ngại về điều Tổng thống Trump sẽ đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh lần này tại Hà Nội, nhưng ít ra, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn tỏ ra tự tin rằng ông đang đi đúng hướng.
Ngay trước khi lên đường sang Việt Nam, Tổng thống Trump tweet: “Thật buồn cười khi được xem những người đã thất bại trong nhiều năm và không đạt được gì lại đang chỉ tôi cách để đàm phán với Triều Tiên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.