Như Thanh Niên thông tin, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh gây chú ý khi cho rằng hiện nay, có một số bộ phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật như phạm tội nhưng không bị xử lý, lối sống ích kỷ... Trong khi đó, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, vô hình trung làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.
“Điển hình, mới đây sau khi VTV1 chiếu phim Người phán xử thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều. Đất nước chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim thì pháp luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử cả lực lượng công an. Phán xử tất cả. Mà phim đó chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?”, ông Tới nêu.
|
Phát ngôn này không chỉ tạo làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội mà nhiều đạo diễn cũng có những ý kiến riêng về vụ việc. Chia sẻ với Thanh Niên, ông Mai Hồng Phong, đạo diễn bộ phim Quỳnh búp bê cho rằng tất cả nhận xét của mọi người đều đáng để quan tâm. Tuy nhiên, theo đạo diễn, khi thực hiện những bộ phim liên quan đến các đề tài nhạy cảm như Người phán xử hay Quỳnh búp bê, VFC đều tâm nguyện luôn muốn mang đến cho khán giả những thước phim chân thực nhất, sống động nhất và xem đấy là giá trị để thu hút sự quan tâm của khán giả. Vì thế, đôi khi sự mô tả thế giới trong phim sẽ có sự đầu tư cho chân thật.
"Có thể mọi người xem tiếp nhận, cảm nhận theo cách khác nhau tùy thuộc vào cảm xúc, lý trí, trình độ học vấn. Nhưng nếu như không có sự chân thực thì rất khó lôi kéo được sự chú ý của khán giả bởi nhiều khán giả không thích sự giả dối. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất chú ý đến định hướng bộ phim phát triển như thế nào. Trong các bộ phim đó, những nhân vật xấu đều phải trả giá, những người tốt và có sự hướng thiện thì có sự đền đáp xứng đáng. Tôi nghĩ đó là sự quan tâm nhất, đáng để khán giả ghi nhận", đạo diễn chia sẻ.
|
Bên cạnh đó, ông Mai Hồng Phong cho rằng với những đối tượng học theo phim ảnh tội phạm, bản thân họ đã có những suy nghĩ, tiềm thức liên quan đến những vấn đề đó chứ không thể đổ lỗi cho phim ảnh. "Tôi nghĩ không phải do bộ phim quyết định mà bản thân những người đó đã có những tư tưởng lệch lạc rồi. Tôi cho rằng số lượng người có suy nghĩ không đúng, bắt chước làm theo hay cổ xúy bản thân họ đã có tư tưởng, trước sau gì họ cũng có thể phạm tội. Chỉ có điều khi xem phim, họ sẽ thích thú, hào hứng hơn mà thôi", ông nói.
Nam đạo diễn cũng nói thêm: "Tất nhiên với những lời nhận xét đó, những nhà làm phim hay nhà sản xuất cũng nên ghi nhận. Chúng ta sẽ cân chỉnh lại liều lượng thích hợp về mức độ mô tả và xoáy sâu hơn vào sự trả giá, kết cục thế nào. Chúng ta cần có sự tiết chế nhất định để mọi người có thể tự tưởng tượng ra chứ không cần phải kéo dài quá".
Charlie Nguyễn, đạo diễn một số phim có yếu tố hành động như Dòng máu anh hùng, Bụi đời chợ lớn tôn trọng ý kiến của ông Lê Tấn Tới song không đồng tình. Theo nam đạo diễn, thị trường phim ảnh hiện nay có nhiều dự án về thể loại hành động, tội phạm. Ở góc độ khán giả, ông cho rằng mọi người sẽ thích xem các bộ phim nước ngoài nhiều hơn. Lý giải về điều này, ông nói: “Vì phim của người ta hay hơn, hoành tráng hơn, nhà làm phim có không gian sáng tác mở rộng và không có hệ thống kiểm duyệt khắt khe nữa. Đã là fan của dòng phim này thì xem thêm Người phán xử thì đó cũng chỉ là một bộ phim trong số hàng ngàn phim, chứ không phải duy nhất".
|
Nam đạo diễn cho biết bản thân ông không đồng thuận với quan điểm phim Người phán xử tạo ra những tác động tiêu cực như ông Lê Tấn Tới chia sẻ. Bởi theo Charlie Nguyễn, ý kiến này mang tính chủ quan. Đồng thời, ông cho rằng gia đình, ngành giáo dục và xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên một người tốt. Còn vấn đề giải trí “chỉ đứng ở vị trí cuối cùng".
Charlie Nguyễn nói thêm: “Tôi không tin việc ê-kíp Người phán xử sản xuất ra bộ phim với mục tiêu là kích thích mọi người phạm tội. Tôi không bao giờ tin điều đó có thật. Nhà làm phim phải vất vả bao nhiêu năm trời về công sức, tiền bạc mà bộ phim không mang lại ý nghĩa tích cực cho bản thân, gia đình của mình thì không ai đi làm chuyện đó cả”. “Mình phải thấy thông điệp đằng sau tác phẩm, chứ không thể nhìn hình ảnh rồi nói đó là mục tiêu của nhà làm phim. Tôi nghĩ nhân phẩm, nhân cách con người tốt hay xấu nằm ở sự giáo dục của gia đình, nhà trường…”, Charlie Nguyễn bày tỏ quan điểm.
Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, khi đầu tư làm phim, không ai muốn cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật. Song ông nói: “Phải có bóng tối thì ánh sáng mới có ý nghĩa, phải có cái ác thì giá trị của cái thiện mới có thể tỏa sáng. Nghệ thuật khi phản ánh thực tế bắt buộc phải phản ánh cả cái ác, cả những mặt tối, thì những gương người tốt, những tâm hồn con người đẹp đẽ mới trở nên có ý nghĩa. Vì vậy, không thể tùy tiện kết án những người làm nghệ thuật là cổ xúy cho điều xấu nếu như không thể chứng minh họ đạt được lợi ích cụ thể khi làm điều đó”.
Bình luận (0)