Xe

Giới hạn của khủng hoảng

07/06/2017 15:28 GMT+7

Việc Ả Rập Xê Út cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar được nhìn nhận là khủng hoảng ngoại giao hay khủng hoảng chính trị an ninh ở khu vực.

Nhưng dù thực chất có là gì đi chăng nữa thì cũng đều chỉ là cuộc khủng hoảng trong giới hạn.
Trong chuyện này có 3 điều đáng chú ý. Thứ nhất, đòn ngoại giao nhằm vào Qatar được trù liệu kỹ càng, thống nhất quan điểm và phối hợp hành động, nên những cáo buộc đối với Qatar có thêm trọng lượng về truyền thông và tâm lý.
Thứ hai, vụ việc xảy ra không lâu sau khi Ả Rập Xê Út được Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn làm địa điểm công du nước ngoài đầu tiên, được bán cho số lượng vũ khí lớn chưa từng thấy và được Mỹ coi là hạt nhân và trụ cột trong liên minh mới chống IS và đối phó Iran. Xem ra, Ả Rập Xê Út nhờ thế mà tự tin vào vị thế của mình trong chiến lược của Mỹ.
Thứ ba, Qatar là một trong những đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ, có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở khu vực, lại có tiềm lực tài chính chẳng kém gì Ả Rập Xê Út. Từ đó có thể thấy, vụ việc này bất ngờ và bất lợi đối với Mỹ.
Ả Rập Xê Út và mấy nước kia không hài lòng khi Qatar dung chứa những tổ chức bị họ coi là khủng bố và không thù ghét Iran như họ. Họ dùng chiêu mới này để khiến Qatar mất thể diện và gây áp lực buộc Qatar không độc lập trong chính sách đối ngoại và an ninh.
Nhưng Mỹ sẽ không để họ đẩy Qatar vào đường cùng. Nhiều đối tác bên ngoài khác cũng không để vụ việc này ảng hưởng tai hại đến lợi ích kinh tế, tài chính và thương mại của họ ở Qatar. Vụ việc rồi sẽ sớm qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.