Điều đáng nói, những phát ngôn báng bổ Phật giáo về ăn thịt động vật lan truyền trên mạng xã hội được tiếp tay bởi các YouTuber (người phát triển nội dung).
Ông P. không phải tu sĩ xuất gia, nơi ông P. ở không phải là cơ sở tôn giáo nhưng nhiều YouTuber vẫn coi phát ngôn của ông P. là đúng và đăng tải mà không hề kiểm chứng. Trong thời gian dài, dưới danh nghĩa người phát triển nội dung, không ít YouTuber và kênh YouTube coi ông P. là đề tài khai thác nhằm câu view, biến người này trở thành hiện tượng mạng.
Thử tìm kiếm trên Google, hàng loạt thông tin liên quan tu sĩ mạo danh hiện ra với đủ “hỉ, nộ, ái, ố” qua ngôn ngữ chợ búa, phản cảm.
Sau khi dư luận và Giáo hội Phật giáo lên tiếng, Công an H.Củ Chi đã mời một số YouTuber lên làm việc để có biện pháp xử lý.
Trong xã hội số, với một chiếc điện thoại thông minh trên tay, nhiều người đặt mục tiêu trở thành một YouTuber để kiếm tiền. Mục tiêu này hoàn toàn chính đáng, nhưng không hiếm sự việc, nhân vật bị các YouTuber đẩy đi quá xa, bất chấp đạo lý, pháp luật. Mới đây, dưới danh nghĩa “giám sát” CSGT, một nhóm người đeo khẩu trang kín mít gí điện thoại sát mặt chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ chất vấn vì sao lại lấn chiếm lòng lề đường, yêu cầu xuất trình kế hoạch kiểm tra…, rồi phỏng vấn người vi phạm. Liệu rằng, ngoài mục đích “giám sát” và thu hút người xem trên YouTube, những người này còn có động cơ nào khác?
Như đã nói, trở thành một YouTuber để kiếm tiền là mục tiêu hoàn toàn chính đáng. Nhưng YouTuber cần phải tuân thủ pháp luật, cần tự trang bị kiến thức để không vượt qua ranh giới phục vụ thị hiếu công chúng mà vi phạm pháp luật, nhất là khi luật An ninh mạng đã có hiệu lực.
Bình luận (0)