Nhiều họa sĩ cho rằng nếu thể lệ tuyển chọn thiết kế trang trí Hà Nội không thay đối họ cũng phải bó tay không thể làm đẹp thủ đô.
Quả cầu trang trí bất chấp không gian xung quanh ở Hà Nội- Ảnh: Trinh Nguyễn |
Nhiều tiếng xì xào ủng hộ khi họa sĩ nổi tiếng Lê Huy Tiếp lên tiếng về thể lệ dự thi thiết kế trang trí thủ đô tại Sở VH-TT Hà Nội sáng 29.3. Theo Sở này, việc trang trí được áp dụng để làm đẹp các diện bề mặt công trình kiến trúc, cây xanh, vỉa hè, chiếu sáng. Cùng lúc, thành phố muốn có thiết kế làm đẹp cho 3 cụm quảng trường và vườn hoa, 5 nút giao thông lớn, 15 tuyến phố cùng các cửa ngõ, cây cầu lớn của thủ đô. “Tôi thấy một cuộc thi cho một điểm đã hết hơi rồi, chưa nói đến hàng chục điểm trong thành phố”, ông Tiếp nói.
Cũng theo hoạ sĩ này, kế hoạch “tuyển” phương án làm đẹp của Hà Nội còn trở nên vô lý hơn khi không hiểu giá trị của lao động nghệ thuật. "Giá trị thiết kế ở đây sao mà nó bèo bọt thế. Đối với một thiết kế 3D, 2D với số tiền 10 triệu, 20 triệu cho 1 giải thưởng thì chẳng ai làm… Đánh giá công việc của họa sĩ thế là không được”, ông nói, và so sánh, một cuộc thi logo bình thường cũng phải có giải thưởng thấp nhất 40 triệu đồng.
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng chỉ ngay “tử huyệt” của thể lệ thi, đó là việc thiết kế trang trí không được đặt trong tương quan với các kiến trúc xung quanh. Vì vậy, không hề có yêu cầu bản vẽ phương án trang trí đặt trong bối cảnh không gian cụ thể. Việc cứ trang trí mà không để ý gì đến xung quanh Hà Nội cũng đã có bài học. “Như cái quả cầu ở Ngân hàng nhà nước, nó to đến mức không thấy cả con đường đằng sau nữa”, ông Chương dẫn ví dụ.
Họa sĩ Nguyễn Huỳnh Mai cũng nhấn mạnh vào việc cần thay đổi tư duy thiết kế. Với một số địa điểm, cần “chừa” ra, đừng trang trí nữa cho thành xấu. “Qua bao cấp lâu rồi mà sao công tác cờ đèn kèn trống, trang trí thành phố vẫn bao cấp quá. Cổng Ô Quan Chưởng, cổng làng cổ rất đẹp, cứ đến lễ Tết lại nhằng nhịt cỡ đuôi nheo, màu sắc xanh đỏ, phá hết không gian kiến trúc cổ kính của di tích. Muốn Hà Nội đẹp thì đừng làm vậy nữa”, ông góp ý.
Một điểm nữa các hoạ sĩ nhấn mạnh cần chú ý, là làm sao kết nối được điểm trang trí này với điểm trang trí khác. Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, ông Động cũng công nhận, việc tổ chức trang trí này chủ yếu hướng tới các điểm nhấn đô thị. Và khi các điểm nhấn được đặt lên trên thì tính hệ thống, liên kết của các điểm được trang trí có thể sẽ kém đi.
Bình luận (0)