Giới khoa học đang tập trung tìm hiểu điều gì về biến thể Omicron của virus gây Covid-19?

29/11/2021 19:15 GMT+7

Các chuyên gia y học Mỹ hôm 28.11 đã lên tiếng cảnh báo về biến thể Omicron và kêu gọi người dân tích cực đi tiêm chủng.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho biết: "Đặc điểm của các đột biến này cho thấy nhiều khả năng biến thể Omicron có lợi thế trong lây truyền, và có lẽ có khả năng tránh được bảo vệ miễn dịch. Không nhất thiết là chuyện đó sẽ xảy ra, nhưng nó là chỉ dấu rõ ràng cho thấy chúng ta cần thật sự chuẩn bị sẵn sàng".

Việc phát hiện biến thể Omicron, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào loại "biến thể đáng quan ngại", đã khiến thế giới lo lắng vì khả năng biến thể này có thể kháng vắc xin và làm đại dịch Covid-19 kéo dài thêm.

Chương trình tiêm chủng Covid-19 ở bang Virginia, Mỹ

reuters

Được các nhà khoa học Nam Phi nhận dạng đầu tiên, hiện Omicron đã được phát hiện tại Anh, Bỉ, Boswana, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hồng Kông, Úc.

Cựu Ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm Dược phẩm Mỹ, Scott Gottlieb, cho hay:"Gần như chắc chắn là đã có biến thể Omicron ở Mỹ, cứ nhìn vào số ca nhiễm đến Mỹ bằng đường hàng không cuối tuần thì rõ".

Omicron tiềm tàng khả năng lây nhiễm mạnh hơn các biến chủng trước. Nhưng hiện chưa rõ biến thể này gây bệnh nặng hay nhẹ hơn.

Chuyên gia Fauci nói rõ hơn về những gì giới khoa học đang thực hiện để tìm hiểu Omicron: "Chúng ta sẽ lấy con virus, có thể là virus còn nguyên hay đã được chỉnh sửa. Sau đó chúng ta lấy kháng thể từ một người đã được tiêm vắc xin, rồi quan sát xem các kháng thể đó có thể trung hòa virus đó không. Nếu được thì chúng ta ổn rồi. Còn nếu không thì điều phải làm là phải thay đổi, điều chỉnh vắc xin. Với các loại vắc xin hiện có thì làm điều này cũng dễ. Vì vậy câu hỏi trọng yếu nhất hiện nay là kháng thể có chặn hiệu quả không, và mức độ nghiêm trọng của bệnh ra sao? Hiện có nhiều ca nhiễm tại Nam Phi và các chuyên gia tại Nam Phi đang theo dõi để xác định xem liệu biến thể này lây truyền mạnh nhưng có gây bệnh nặng hay không. Mức độ bệnh nặng có như của Delta hay các biển thể khác không? Đó là những lổ hổng trong kiến thức mà chúng ta phải tìm hiểu thật nhanh"

Với các chuyên gia y học, biến thể này là lời nhắc nhở rằng virus gây Covid-19 có thể sẽ không thể bị xóa sạch, và vắc xin là cách duy nhất để kiểm soát sự lây nhiễm.

"Tôi nghĩ đây chính là lời kêu gọi hành động. Chúng ta hãy dẹp các bất đồng sang một bên để kêu gọi nếu ai chưa chích ngừa thì hãy đi chích ngừa. Ai đã chích ngừa thì hãy đi tiêm liều tăng cường, và cho các cháu bé đi chích ngừa luôn", ông Fauci nói.

Ông Gottlieb cũng kêu gọi rằng: “Giới chuyên gia về vắc xin có mức độ tin tưởng cao rằng liều vắc xin tăng cường, tức là 3 liều vắc xin tổng cộng, sẽ có thể bảo vệ khá tốt trước biến thể mới”.

Một nhân viên y tế ở Nam Phi được tiêm ngừa Covid-19

reuters

Biến thể Omicron gây thêm lo lắng cho nhiều nước châu Âu đang phải chống chọi một đợt sóng dịch Covid-19 mới. Nhiều nơi đã phải áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội.

Omicron cũng gây chú ý đến sự bất bình đẳng lớn trong tỉ lệ tiêm vắc xin trên toàn cầu. Theo một số tổ chức y tế và nhân quyền, trong khi nhiều nước phát triển đang triển khai tiêm mũi 3 để tăng cường miễn dịch, mới có chưa đầy 7% dân số tại các nước nghèo được tiêm mũi vắc xin đầu tiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.