Hồi đầu tháng 10, các đạo diễn Trần Thanh Huy, Nguyễn Hữu Tuấn, Võ Thạch Thảo… cùng nhiều thành viên làm trong lĩnh vực phim ảnh tại Việt Nam đã chia sẻ nội dung kèm hashtag #ngunglamquyen (có nghĩa là: ngưng lạm quyền) gây chú ý lớn trên các tài khoản mạng xã hội. Sau thông tin “một thành viên trong Hội đồng duyệt phim quốc gia tiết lộ tình tiết chính phim Người lắng nghe của đạo diễn Khoa Nguyễn, ảnh hưởng về mặt thương mại đối với bộ phim”, giới làm phim đã bàn luận nhiều về vấn đề liệu có là tiền lệ nếu người duyệt phim tung ra nội dung phim trước công chúng khi phim chưa chiếu, gây ảnh hưởng đến số phận của bộ phim về mặt thương mại. Đồng thời, giới làm phim cũng đề xuất Cục Điện ảnh cần có quy định cụ thể về thẩm quyền của Hội đồng duyệt phim quốc gia.
Diễn viên Oanh Kiều (giữa), ca sĩ Phạm Quỳnh Anh trong một phân cảnh của phim Người lắng nghe |
đpcc |
Xoay quanh vấn đề này, đạo diễn Charlie Nguyễn bày tỏ ý kiến: “Luật Điện ảnh cũng như các văn bản dưới luật hiện chưa có quy định rõ về các hành vi cấm với thành viên Hội đồng thẩm định mà chỉ có yêu cầu với các nhà làm phim. Vì thế, đã đến lúc cần có quy định nguyên tắc hoạt động, thẩm quyền của thành viên Hội đồng thẩm định, nhất là nguyên tắc bắt buộc phải bảo mật thông tin phim trước khi nhà làm phim có kế hoạch ra mắt, vì nếu không an toàn thì nhà làm phim nào cũng sẽ sợ hãi, không còn niềm tin nữa”. Nhà sản xuất Trinh Hoan và đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng cho biết ủng hộ việc Luật Điện ảnh cần có thêm quy định cụ thể về thẩm quyền của thành viên Hội đồng duyệt phim.
“Một bộ phim nếu chưa được công chiếu, nhà sản xuất chưa chủ động đưa ra nội dung thì hội đồng thẩm định cũng cần phải bảo mật thông tin. Có những thông tin phim nếu bị tiết lộ từ trước, thì gần như tác phẩm không còn lôi cuốn, bất ngờ với khán giả khi xem nữa”, nhà sản xuất Nguyễn Nguyên Duy nói. Một số nhà làm phim cũng lo ngại nếu không sớm có giải pháp, việc một thành viên bất kỳ trong Hội đồng duyệt phim tiết lộ nội dung phim trước khi nhà sản xuất phát hành sẽ tiếp tục tái diễn, có thể gây ảnh hưởng đến doanh thu, hình ảnh của các phim sắp ra rạp.
Phía nhà sản xuất bộ phim Người lắng nghe cũng đã có công văn gửi Cục điện ảnh phản ánh: “Việc thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia tiết lộ nội dung chính của phim trong điều kiện phim chưa phát hành thương mại, là vi phạm các nguyên tắc bảo mật của Hội đồng duyệt phim và cả Luật Sở hữu trí tuệ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phát hành thương mại theo kế hoạch của nhà làm phim”. Trong công văn trả lời sau đó của Cục trưởng Cục Điện ảnh - ông Vi Kiến Thành cho biết: “Ngày 21.6.2021, Cục Điện ảnh đã ban hành giấy phép phổ biến cho phim Người lắng nghe. Phim cũng đã được mang trình chiếu tại LHP Nghệ thuật châu Á 2021, LHP quốc tế New York 2021, Giải thưởng Phim Vegas 2021, Giải thưởng Phim Vàng 2021”.
Điều này đồng nghĩa phim này đã được cấp phép trước khi gửi dự thi quốc tế và bản thân nhà làm phim có thể đăng ký gửi phim trước cho Ban tổ chức, không vi phạm như thông tin “phim chưa được phép phổ biến của Cục Điện ảnh mà đã đi dự Liên hoan phim quốc tế”. Công văn trả lời của Cục Điện ảnh cũng ghi rõ thắc mắc của nhà làm phim: "Nội dung bài viết (tiết lộ thông tin phim - PV) không đề cập đến ý kiến thẩm định hay kết luận của hội đồng về bộ phim Người lắng nghe".
Sau khi nhận được câu trả lời từ phía Cục Điện ảnh, đạo diễn Khoa Nguyễn của phim Người lắng nghe chia sẻ: "Phía nhà sản xuất từng nghĩ đến việc khởi kiện nhưng mấu chốt là không thể chứng minh thiệt hại cụ thể thế nào đến doanh thu của phim, cho nên việc khởi kiện đã không thể tiến hành. Chúng tôi nêu ra vấn đề này là vì cái chung cho giới làm phim, chứ không phải để PR phim vì trong tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp như thế này, phim Người lắng nghe chưa có kế hoạch ra rạp trong vài tháng sắp tới".
Oanh Kiều từng đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc trong phim Người lắng nghe tại Asia Film Art International Film Festival 2021 (Liên hoan phim Điện ảnh nghệ thuật châu Á) |
đpcc |
Vì thế, bản thân đạo diễn và nhà sản xuất phim Người lắng nghe nêu kiến nghị: “Luật Điện ảnh cần có quy định cụ thể về vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của tất cả thành viên trong Hội đồng duyệt phim quốc gia để tránh những trường hợp tương tự sẽ xảy ra, gây thiệt hại khó đong đếm được cho giới làm phim. Ngay trong Hội đồng duyệt phim cũng cần có quy chế cụ thể các điều cấm với thành viên và cả trong chuyện liệu thành viên hội đồng có được tiết lộ nội dung phim hay không và nếu được tiết lộ thì bao nhiêu phần trăm là cho phép... Chúng tôi nghĩ mọi thứ cần phải rõ ràng vì quy định cụ thể về thẩm quyền của thành viên Hội đồng thẩm định không chỉ giúp các nhà làm phim bảo vệ tác phẩm của mình, mà còn khiến thành viên Hội đồng duyệt phim làm việc dễ dàng hơn. Cả hai điều này đều tốt cho ngành điện ảnh”.
Đề nghị về quy trình thẩm định phim an toàn, bảo mật là chính đáng
Là một thành viên trong Hội đồng duyệt phim quốc gia, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nêu ý kiến với PV Thanh Niên: "Đề nghị của các nhà làm phim về một quy trình thẩm định và phân loại phim an toàn, bảo mật cho tác phẩm là hoàn toàn chính đáng. Bất cứ nhà làm phim nào cũng rất coi trọng việc này, ngược lại từ phía cơ quan quản lý tôi tin là không ai muốn để xảy ra sự cố như tiết lộ nội dung, hay nghi vấn leak (tạm dịch: để lọt ra ngoài - PV) hình ảnh gây tranh cãi thời gian qua. Ai cũng nỗ lực và tôn trọng sự nghiêm cẩn của quy trình làm việc.
Các nhà làm phim đương nhiên cũng kỳ vọng vào sự đối thoại với hội đồng khi có những điều chưa hoặc không đồng thuận trong việc soi chiếu Luật Điện ảnh vào tác phẩm. Cơ hội để giải thích, để bảo vệ cho tác phẩm hoặc để các bên hiểu rõ hơn về những lo ngại, tôi nghĩ với sự thay đổi và lắng nghe rất thiện chí trong thời gian qua thì sẽ sớm trở thành lệ thường".
Bình luận (0)