'Giới nghệ' trong những ngày giãn cách

24/10/2021 06:15 GMT+7

“Bế môn”, “nhập thất”... những biệt ngữ giới “nghệ” bông đùa nhau nói về quãng thời gian “tu luyện” trong những ngày giãn cách xã hội.

Để khi vào giai đoạn bình thường mới, nhìn lại hành trình sáng tác của họ, thật nhiều bất ngờ.

Những lá trà cổ thụ ép thành bánh, tạo muôn vàn mô hình lấy cảm hứng từ các hình tượng di sản kiến trúc, biểu tượng của Hà Nội với chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Rùa, Ô Quan Chưởng... cho đến các hình thái nhà ở của người H’mông, Dao, Thái... được gã “dị nhân” của làng trà Việt - Phạm Vũ Khánh thể hiện.

Cách biến tấu trà từ sản phẩm thành nghệ phẩm được Phạm Vũ Khánh chia sẻ: “Ý tưởng ấp ủ từ lâu, nhưng chưa có thời gian thực hiện. Khi giãn cách xã hội, việc sản xuất đình lại, nhờ vậy tôi dành toàn thời gian mày mò, nghiên cứu hình ảnh, dựng mô hình kiến trúc từ lá trà thành bộ sưu tập, vừa để trưng bày, để chơi, mượn trà gợi về kiến trúc di sản”.

Ở lĩnh vực gốm sứ, với những nghệ sĩ đương đại như Trịnh Vũ Hiếu, Bùi Quốc Khánh, thời điểm giãn cách lại là cơ hội cho loạt tác phẩm đã thai nghén từ lâu ra đời. Với Trịnh Vũ Hiếu, đó là chuyển tải hình tượng dân gian vào cốt gốm. Những vị linh thần trong tín ngưỡng, được “ngự” vào chốn mới, khác lạ, ấn tượng, tạo sự hòa nhịp của tín ngưỡng dân gian, nghề gốm truyền thống, với tạo hình và lối phủ men đương đại. Cũng với ngôn ngữ gốm, nghệ sĩ Bùi Quốc Khánh tận dụng hơn 3 tháng giãn cách để hoàn thiện bộ sưu tập là kết hợp của nghề gốm, kỹ thuật nặn tò he cổ truyền, và màu sắc hiện đại theo phong cách Pop-Art (nghệ thuật đại chúng) - ngôn ngữ thuận tay của nghệ sĩ trong lĩnh vực hội họa - tạo ra dòng gốm mang tính phản biện xã hội, gắn với yếu tố thời sự, thời cuộc mùa Covid-19.

Lĩnh vực nghệ thuật sơn mài, họa sĩ Trần Tuấn Long trong giai đoạn “nhập thất” đã tạo ra các tác phẩm liên quan đến cơn đại dịch. Ấn tượng của loạt sáng tác này có tác phẩm sử dụng hình ảnh đám cưới với cô dâu chú rể trong ngày vui, nhưng khuôn mặt được che kín bằng khẩu trang, cả hai đang chăm chú bấm điện thoại. Một bầu không khí về đám cưới chưa từng diễn ra như vậy trong lịch sử cưới hỏi nước Việt.

Với họa sĩ Nguyễn Xuân Lục, giãn cách xã hội cũng là thời gian được nghệ sĩ tận dụng tạo nên chuỗi tác phẩm sơn ta theo phong cách trừu tượng, miêu tả không gian bằng gam màu huyền ảo và độ sâu thẳm của sơn mài. Nguyễn Xuân Lục chia sẻ: “Bởi giãn cách, tôi được dịp tập trung toàn thời gian cho sáng tác mà không bị chi phối, tác động bởi những việc khác. Đây là quãng thời gian khó khăn ở phương diện cuộc sống, nhưng với hoạt động nghề thì đạt được nhiều kết quả vượt hơn cả mong đợi”.

Cùng xem những tác phẩm của các nghệ sĩ, nghệ nhân thể hiện trong mùa đại dịch của năm 2021.

Nghệ sĩ gốm Bùi Quốc Khánh với các tác phẩm liên quan đến câu chuyện thời sự, môi trường, đại dịch Covid-19

Họa sĩ Trần Tuấn Long trong “mật thất” sáng tác hội họa sơn mài

Nghệ thuật sơn mài ứng dụng vào bộ sản phẩm thủ công cho bàn trà, một kết hợp hoàn hảo giữa hai khái niệm vận dụng nghề, kỹ thuật, truyền thống vào sáng tác đương đại của Nguyễn Xuân Lục

Mô hình Khuê Văn Các làm từ trà Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa, một phát kiến mới của Phạm Vũ Khánh

Bởi giãn cách xã hội, nghệ sĩ sáng tác như Nguyễn Xuân Lục dành toàn thời gian cho nghệ thuật

Mượn hình ảnh dân gian vào tạo hình gốm đương đại của nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu. Bộ sưu tập hơn 30 tác phẩm này sẽ trình làng trong triển lãm tại VCCA (Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom) cuối năm 2021 cùng bộ sưu tập gốm của Bùi Quốc Khánh

Nghệ sĩ gốm Trịnh Vũ Hiếu ăn, ngủ cùng gốm ở xưởng sáng tác

Tác phẩm đám cưới mùa Covid-19 của họa sĩ sơn mài Trần Tuấn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.