Theo bảng xếp hạng 500 tỉ phú hàng đầu thế giới của Bloomberg, tổng tài sản ròng của nhóm siêu giàu tính đến cuối ngày 21.12 (giờ địa phương) là 4.700 tỉ USD (109 triệu tỉ đồng). Con số này thấp hơn 511 tỉ USD so với hồi đầu năm và đây là năm thứ hai tổng tài sản của 500 tỉ phú thế giới bị sụt giảm kể từ khi Bloomberg bắt đầu thống kê vào năm 2012. Căng thẳng thương mại toàn cầu cộng với lo ngại nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại khiến thị trường bị kéo xuống vào cuối năm, theo nhận định của giới chuyên gia.
Ông Jeff Bezos, người sáng lập trang mua bán trực tuyến Amazon, tiếp tục giữ vị trí người giàu nhất thế giới. Dù vẫn “kiếm bộn” nhất trong năm nay khi đút túi thêm 16 tỉ USD nhưng tổng tài sản của nhà tỉ phú Mỹ vào cuối năm “chỉ có” 115 tỉ USD, giảm mạnh so với mức đỉnh điểm 168 tỉ USD hồi tháng 9. Trong khi đó, ông chủ mạng xã hội lớn nhất thế giới Mark Zuckerberg chịu thiệt hại nhiều nhất kể từ tháng 1 khi mất 23 tỉ USD sau hàng loạt bê bối để lộ thông tin người dùng của Facebook. Ông Zuckerberg hiện là người giàu thứ 7 thế giới với khối tài sản 47,7 tỉ USD. Xét về tổng thể, nền kinh tế Mỹ dù có 173 tỉ phú trong bảng xếp hạng nhưng tổng tài sản của nhóm này đã bốc hơi 5,9%, còn lại 1.900 tỉ USD.
tin liên quan
Người giàu Trung Quốc chạy ra nước ngoàiTình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu vực châu Á, nơi lâu nay được coi là “lò ấp tỉ phú” của thế giới. Theo Bloomberg, 128 tỉ phú châu Á trong bảng xếp hạng mất tổng cộng 144 tỉ USD trong năm 2018 với 3 nhân vật thiệt hại nhiều nhất đều là người Trung Quốc. Đứng đầu là Chủ tịch Tập đoàn Wanda Vương Kiện Lâm (giảm 11,1 tỉ USD), tiếp theo là Chủ tịch Alibaba Mã Vân (Jack Ma, giảm 10,5 tỉ USD) và Chủ tịch Tencent Mã Hóa Đằng (8,6 tỉ USD). Đây là lần đầu tiên từ năm 2012, giới nhà giàu châu Á sụt giảm tài sản. Đặc biệt, giới siêu giàu Trung Quốc chứng kiến tình trạng tụt hạng trên bảng danh sách tỉ phú thế giới trong bối cảnh xung đột thương mại căng thẳng với Mỹ đang khiến giá trị cổ phiếu lao dốc và làm bốc hơi nhiều tỉ USD khỏi nền kinh tế.
Tờ The Japan Times dẫn lời nhà kinh tế học Philip Wyatt thuộc Ngân hàng UBS Group AG (Thụy Sĩ) nhận định: “Tình hình thị trường cổ phiếu biến động cộng với những bất an về căng thẳng thương mại trong năm nay là một thách thức cho nhiều doanh nghiệp”. Tuy nhiên, chuyên gia này dự báo tình trạng ảm đạm sẽ không tái diễn trong năm 2019 mà ngược lại, đây lại là giai đoạn với nhiều thời cơ chín muồi để châu Á tạo ra thêm nhiều người siêu giàu vì những công nghệ mới sẽ thu hút nguồn vốn tư nhân và chính phủ. Cũng trong năm qua, tỉ phú Jack Ma đã bị ông chủ Mukesh Ambani của Tập đoàn năng lượng Ấn Độ Reliance Industries soán ngôi vị giàu nhất châu Á. Trong khi đó, người có khối tài sản tăng nhanh nhất khu vực là Chủ tịch hãng sản xuất điện thoại Xiaomi Lôi Quân khi đút túi 8,7 tỉ USD. Theo tờ The Sydney Morning Herald, nhờ Xiaomi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi tháng 7, ông Lôi đã lọt vào tốp 100 tỉ phú của Bloomberg và cũng giúp các đối tác đồng sáng lập tập đoàn trở thành tỉ phú USD.
Chứng khoán Mỹ lao đao
Thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua một tuần giao dịch được xem là tồi tệ nhất trong khoảng một thập niên khi 3 chỉ số chính ở Phố Wall đều giảm điểm mạnh. Theo Đài CNN, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 400 điểm, tương đương 1,8% trong phiên giao dịch ngày 21.12 (giờ Mỹ). Chốt ở mức 22.445,37 điểm, Dow Jones đã trải qua một tuần giảm điểm tới 6,9%, mức tồi tệ nhất kể từ tháng 10.2008. Chỉ số tổng hợp Nasdaq lao dốc 3%, xuống còn 6.332,99 điểm. Như vậy, Nasdaq đã giảm tổng cộng 8,4% trong tuần qua và là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 11.2008. Chỉ số S&P 500 giảm 2,1%, xuống còn 2.416,58 điểm. Trong tuần qua, S&P 500 giảm tới 7,1%, mức giảm sâu nhất kể từ tháng 8.2011. Theo giới quan sát, nguyên nhân chủ yếu là do căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, chính phủ Mỹ đóng cửa một phần ngày 22.12 và Cục Dự trữ liên bang (FED) nâng lãi suất lên khoảng 2,25 - 2,5%.
Danh Toại
|
Bình luận (0)