Theo CNBC, nghiên cứu trên do hãng Manulife tiến hành. Công ty này khảo sát những nhà đầu tư sinh từ năm 1984 đến năm 2004, phát hiện ra rằng gần 90% người được hỏi cho biết họ kỳ vọng có thể duy trì hoặc cải thiện mức sống ở tuổi về hưu. Dù vậy, gần 30% người được hỏi cho rằng họ sẽ hết tiền trong những năm cuối đời.
“Người châu Á từ lâu nổi tiếng là những người tiêu dùng khôn ngoan với mức nợ thấp nhất thế giới. Ngày nay, danh tiếng trên không còn đúng nữa. Trong một số trường hợp, mức độ nợ nần mà chúng ta thấy ở người tiêu dùng châu Á là bằng hoặc vượt qua mức nợ của người tiêu dùng Mỹ, vốn được tính bằng nợ hộ gia đình so với mức thu nhập sau thuế”, Chủ tịch kiêm CEO Manulife Asia Roy Gori cho hay.
Gần 4 trong số 10 người được khảo sát cho hay họ kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ tài chính cùng lúc từ cả cha mẹ và con cái họ. Đây là điểm có thể hạn chế khả năng đầu tư và chuẩn bị cho tuổi hưu của lớp trẻ hiện tại.
Ông Gori cho hay: “Tăng trưởng kinh tế trong thời đại mà những người trẻ đang sống sẽ chậm hơn nhiều so với mức tăng trưởng kinh tế của thời đại mà cha mẹ họ từng trải qua”. Vì thế, tăng trưởng thu nhập dự kiến của giới trẻ châu Á chậm hơn so với thế hệ sinh ra trong các thời kỳ trước. Điều này đặc biệt đúng ở những nước và vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan và Thái Lan.
Với hầu hết các nền văn hóa châu Á, sự hỗ trợ của gia đình là nền tảng cho tuổi hưu trong suốt nhiều thế hệ. Dù vậy, khía cạnh này hiện có sự thay đổi vì dân số già đi, quy mô hộ gia đình suy giảm và đô thị hóa nhanh chóng. Tăng trưởng kinh tế chậm đi cùng việc cha mẹ sống thọ hơn có thể đồng nghĩa với việc người trẻ ít có cơ hội lập kế hoạch về hưu sớm cho riêng mình. “Đây là con dao hai lưỡi vì chính thế hệ trẻ hiện tại cũng ít có khả năng nhận được hỗ trợ tài chính từ con cái họ khi họ già đi”, ông Gori nói.
Ngoài ra, nghiên cứu của Manulife còn cho thấy khoảng 50% nhà đầu tư trên khắp châu Á đang gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng. Tại Indonesia, 80% tổng tài sản tài chính được gửi vào ngân hàng trong khi ở Mỹ, tỷ lệ này chỉ là 20%.
“Chúng ta đang ở trong thế giới không lãi suất, một tình trạng đã tồn tại từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tổng cộng 13 năm lãi suất bằng 0 đã là quá nhiều trong sự nghiệp của một người trẻ điển hình. Điều này có nghĩa là tiền tiết kiệm của họ trong ngân hàng sẽ cho lợi nhuận âm trên thực tế”, ông Gori nhận định.
Theo CEO Manulife, giới trẻ châu Á cần chấp nhận nhiều rủi ro hơn, đầu tư nhiều vào cổ phần, cổ phiếu. Ông Gori nói: “Trong lịch sử, cách người châu Á đầu tư là bỏ phần lớn tài sản cá nhân của họ vào bất động sản, và số tài sản còn lại thì gửi bằng tiền mặt”. Cách làm này không còn là chiến lược tiết kiệm thực tế, đặc biệt là ở các thị trường phát triển hơn tại châu Á.
tin liên quan
80% người trẻ dự định mua nhà trong 5 năm tớiHSBC vừa đưa ra báo cáo đầu tiên trong chuỗi khảo sát 'Hơn cả một ngôi nhà', với sự tham gia của hơn 10.000 người ở 10 quốc gia, vùng lãnh thổ, cho thấy trung bình cứ 10 người trẻ thì có gần 4 người (38%) đang có nhà riêng.
Bình luận (0)