Thời gian gần đây, quán cà phê trở thành điểm lý tưởng để bạn trẻ có thể ngồi thâu đêm suốt sáng. Thậm chí, để “chiều lòng” khách hàng, một số quán cà phê còn trang bị thêm gối ngủ, bố trí nhiều ghế dài để bạn trẻ ngả lưng, ánh đèn được bật vừa phải.
Bạn trẻ tranh thủ xử lý công việc tại quán cà phê |
THANH DUNG |
Đêm có cảm hứng để làm việc
Một quán cà phê trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) càng về khuya lại càng đông đúc, trở thành “chỗ nghỉ chân” thâu đêm của bạn trẻ. Quán mở 24/7, khách chỉ cần gọi một ly nước thì có thể ngồi nhiều giờ đồng hồ, thậm chí nghỉ ngơi qua đêm.
Bên trong quán cà phê này, Phạm Phương Ngọc (23 tuổi, ngụ P.14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cặm cụi bên chiếc máy tính để xử lý công việc. Mỗi tháng, Ngọc vào những quán cà phê mở cửa xuyên đêm khoảng 3 - 4 lần, ngồi đến khoảng 2 giờ sáng mới về nhà. Đa phần, các ngày ngồi quán thâu đêm của cô là vào tối thứ sáu để có thể ngủ bù vào thứ bảy vì được nghỉ.
Một quán cà phê trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mở cửa 24/7, thu hút nhiều bạn trẻ |
THANH DUNG |
“Vài lần tôi xong việc tại công ty đã 22 giờ, ghé đâu đó ăn tạm rồi tìm quán cà phê đêm ngồi lại vì muốn được một mình. Tôi có thể xử lý thêm công việc khác hoặc đọc sách, ngắm phố phường hay chỉ lướt điện thoại... Sống chung trọ với 2 người chị nên đôi lần, bản thân cũng muốn có thời gian và không gian riêng cho mình”, Ngọc chia sẻ.
Còn Dương Trần An Nguyên (25 tuổi, ngụ P.An Khánh, Q.2, TP.HCM) là người làm công việc sáng tạo nội dung. Do đó, Nguyên thường tìm đến quán cà phê để xử lý những đầu việc còn dang dở sau giờ làm việc hành chính tại công ty.
“Người làm sáng tạo như tôi làm việc “cảm hứng”. Ban ngày, dù tôi cố gắng suy nghĩ cũng không tìm được ý tưởng nhưng cứ về đêm, trong đầu có rất nhiều thứ hay ho để làm. Đó là lý do tôi đến quán cà phê đêm, đổi địa điểm khác nhau để kích thích sự sáng tạo”, Nguyên bày tỏ.
Tránh ảnh hưởng bạn cùng phòng
Đề cập đến vấn đề sức khỏe, An Nguyên cho biết bản thân ý thức được những ảnh hưởng khi thức đêm. Tuy nhiên, vì muốn tăng thu nhập nên cô luôn cố gắng làm thêm việc và tìm cách cải thiện sức khỏe như chạy bộ, đá bóng… vào ngày cuối tuần.
Nguyên nói thêm: “Khi có quá nhiều đầu việc, nhất là vào đợt giữa và cuối năm, tôi mới thường đến quán để xử lý nhưng luôn về trước 0 giờ. Tôi lo ngại lúc làm việc ở phòng trọ sẽ làm ảnh hưởng bạn cùng phòng vì phải mở đèn sáng, thêm tiếng gõ bàn phím và phải nói chuyện trao đổi công việc…”
Sinh viên tranh thủ làm bài và thường rời quán sớm trước 22 giờ |
THANH DUNG |
Tương tự, Nguyễn Ngân Nhi (23 tuổi, ngụ P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thích ngồi quán cà phê nhưng không chọn ở lại quá 24 giờ. Thời điểm chạy dự án kết thúc môn để ra trường vào một năm trước, Nhi và nhóm bạn cặm cụi ngày đêm ở hàng quán. Lý do là phòng trọ không cho bạn bè ở qua đêm, trong khi bài vở phải làm nhiều và gấp nên quán cà phê 24/7 là ưu tiên của nhóm sinh viên.
Một số bạn trẻ chạy “deadline” đêm khuya tại quán để tránh ảnh hưởng giấc ngủ của bạn cùng phòng |
THANH DUNG |
“Hiện tại, tôi đã đi làm. Những lần ngồi lại trễ ở quán là khi tụ họp bạn bè, chia sẻ chuyện công việc, cuộc sống vì cả nhóm ít khi gặp gỡ đầy đủ. Bạn thân khi trúng “tần số” sẽ có nhiều chuyện để nói và nghe lời khuyên của nhau. Với tôi, bạn trẻ ra quán và ngồi lại đến khuya đa phần vì công việc, học hành, cuộc sống chứ không phải vì vui”, Nhi nói.
Quán cà phê mở thâu đêm suốt sáng dần trở thành địa điểm thuận tiện cho những nhóm sinh viên hoặc nhân viên văn phòng cần xử lý gấp công việc, họp hành hay thảo luận… Đây là cách để họ tránh làm ảnh hưởng giấc ngủ của người thân hay bạn cùng phòng vào những lần thức khuya làm việc.
Bình luận (0)