Giới trẻ đua nhau đăng ký gửi tên lên sao Hỏa với NASA: Bao nhiêu cơ hội?

24/05/2019 09:36 GMT+7

Từ ngày hôm qua đến nay, hàng ngàn bạn trẻ tại Việt Nam đã đăng ký vé gửi tên lên sao Hỏa theo hành trình 'Mars 2020' của NASA.

Người trẻ hào hứng

Theo thông báo của NASA, Rover, một nhà khoa học người máy nặng hơn 1.000 kg sẽ tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống trong quá khứ, đặc trưng cho khí hậu và địa chất của hành tinh, thu thập các mẫu vật để trở về Trái đất, mở đường cho việc khám phá của con người về Hành tinh Đỏ trong tương lai. Trong hành trình này, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ sẽ tạo cơ hội để mọi người, không phân biệt quốc gia, gửi tên lên sao Hỏa đi kèm với thẻ lên máy bay lưu niệm và điểm "khách hàng thường xuyên". Đây là một phần của chiến dịch để cộng đồng tham gia nhằm làm nổi bật các sứ mệnh liên quan đến hành trình của NASA từ Mặt trăng đến sao Hỏa. 

Ngay sau thông tin trên được công bố, giới trẻ Việt Nam nhanh chóng hưởng ứng, đăng ký các "tấm vé thông hành" cho mình. Hàng ngàn bạn trẻ nhanh chóng lên Facebook cá nhân khoe những tấm vé này. 

Giới trẻ nhanh chóng hưởng ứng chương trình Ảnh chụp màn hình
Trên trang Vật lý thiên văn, một trang Facebook chuyên về lĩnh vực này có đông đảo người yêu thích thiên văn tham gia, thông tin nhanh chóng được hưởng ứng và lan truyền. Giới trẻ tỏ ra khá thích thú trước cơ hội này. Nhiều bạn trẻ tham gia một cách vui vẻ và chia sẻ về Facebook cá nhân với lời bình "Mình về với hành tinh của mình đây!". 
Trần Minh Thuận, một bạn trẻ làm truyền thông tại TP.HCM, chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình và kêu gọi bạn bè tham gia: "Không được đến sao Hỏa thì nhờ NASA gửi tên mình vào không gian, lưu lại tên mình trên sao Hỏa cho hậu thế nhé".
Pha Lê, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu (Đồng Tháp) cũng hào hứng: "Sắp được lên sao Hỏa rồi. Tạm biệt Trái đất dấu yêu". 
Đoàn Phong, nhân viên truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết: "Với hoạt động này mình thấy khá lạ và thú vị, nó như giúp mình hoàn thành trí tưởng tượng hồi bé là được bay ra ngoài vũ trụ..."
Trong khi đó, Thảo Nguyên, nhân viên Công ty Black Rouge VN, lại cho biết dự án có vẻ phi thực tế. Thảo Nguyên ít quan tâm đến những chương trình như vậy. Thậm chí còn sợ bị lấy thông tin...

Bao nhiêu cái tên sẽ được chọn?

Tại Việt Nam, người tham gia chương trình đang tăng lên chóng mặt. Tính đến nay, đã có hơn 34.000 người, chủ yếu là giới trẻ, tại Việt Nam tham gia. Việt Nam cũng đang đứng thứ 12 theo số lượng người đăng ký. 
Số lượng người tham dự chương trình hiện tại tính theo quốc gia NASA
Nhưng sẽ có bao nhiêu cái tên được chọn để tham gia hành trình này? Theo thông báo của NASA, với kích thước của con chip, sẽ có hơn một triệu tên có thể được viết ở đây. Cho đến hiện tại, đã có gần 2,1 triệu người đăng ký tên gửi đến tham gia chương trình này. Như vậy, khi chương trình kết thúc vào ngày 30.9, tỷ lệ "chọi" giữa những người tham gia để được chọn cũng sẽ rất cao.

Trang Vật lý thiên văn cũng cho biết tất cả các tên đã đăng ký sẽ được xem xét và sẽ được khắc vào một con chip nhỏ. Cơ hội cho những người tham gia còn tùy thuộc vào sự lựa chọn từ NASA để khắc lên con chip này.

Năm 2017, một chương trình gửi tên lên sao Hỏa tương tự cũng đã được thực hiện. Lúc này, NASA thông báo sẽ phóng tàu không gian InSight lên sao Hỏa vào năm 2018 và cũng tạo cơ hội mọi người tham gia đăng ký tên. Kết quả là có hơn 2 triệu cái tên đã bay cùng tàu InSight lên sao Hỏa trên 2 con chip. 

  
Ngày 22.5, trên trang web chính thức, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố thông tin cho phép mọi người có cơ hội gửi tên lên Sao Hỏa thông qua dự án "Mars 2020". Đây là nhiệm vụ thăm dò sao Hỏa được thực hiện bởi NASA, dự kiến bắt đầu hành trình vào tháng 7.2020 và đến sao Hỏa vào tháng 2.2021. Chuyến thăm dò sẽ kéo dài trong thời gian 1 năm. 
Mô tả hành trình trên sao Hỏa của người máy Rover NASA
Phòng thí nghiệm Microdevices tại Pasadena (California, Mỹ) sẽ sử dụng chùm tia điện tử để in các tên được gửi lên một con chip silicon với các dòng văn bản nhỏ hơn một phần nghìn chiều rộng của một sợi tóc (75 nanomet). Con chip này sẽ được gắn lên người máy Rover trong quá trình thăm dò sao Hỏa.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.