Ca khúc nhạc Hoa lời Việt 'Độ ta không độ nàng' đến thời điểm hiện tại đã có rất nhiều phiên bản khác nhau được cả những Youtuber và các ca sĩ nổi tiếng 'cover' (làm lại)…Nhiều phiên bản khác nhau ra đời từ những tranh cãi về ca từ được sử dụng trong ca khúc đầu tiên khi “ra lò”.
“Đơn giản vì hay nên nghe”
“Mình thấy có quá nhiều người cover lại ca khúc và hầu như bản cover nào cũng 'hit'. Vì một lẽ đương nhiên là giai điệu của bài hát này vốn dĩ đã rất dễ nghe và dễ đi vào lòng người. Nhiều bạn thích những phiên bản sau này hơn vì ca từ mang màu sắc tích cực hơn. Nhưng mình thấy do cách nhìn của mỗi người thôi, bi lụy hay không cũng là do bản thân mình. Riêng mình chỉ quan niệm nghe một bản nhạc mà giúp mình thư giản thì đã được lắm rồi, chứ đâu phải nghe nhạc để mà bi lụy đâu”, Hồ Thị Ngọc Nhàn (cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM) bày tỏ.
Còn Hồ Hữu Quang (người mẫu tự do tại TP.HCM), phản ứng: “Mình thấy mọi người sao cứ phải làm quá lên. Tranh cãi ca từ không phù hơp, ca từ làm con người bi lụy và nhìn mọi thứ tiêu cực. Nhưng đó chỉ là bài hát thôi mà, đâu thể khiến mình thành thế này hay thế kia…Mà thông thường cứ cái gì hay là chắc chắn sẽ có tranh cãi”.
|
Quang cũng chia sẻ thêm: “Đơn giản vì hay nên mình nghe thôi. Mình thấy đây là bài hát đầu tiên mà lời Việt hay hơn bản gốc, giai điệu cứ nghe là thấy da diết…”.
Đồng tâm trạng với Quang, Nguyễn Ngọc Hưng (sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM) cho biết ngày nào cũng nghêu ngao hát bài này vì ca từ rất dễ thuộc.
“Mọi người cứ tranh cãi và cứ làm quá lên. Mình thấy bài nào hay thì nghe, ca từ nó cũng chỉ là ca từ, quan trọng là cách nghĩ của mình. Mọi người nói nó bi lụy chứ mình nghe mình thấy thoải mái đầu óc. Đa phần nhạc trẻ bây giờ nghe đâu cần thấm lời, chỉ cần dễ nghe là được rồi. Mà mình thấy nhiều câu chế lại cũng hay lắm đấy, như “tiền ở trên kia cao quá, mãi mãi không độ tới mình” mà cái này cũng đúng với mình thật (cười)”, Hưng nói.
|
Không muốn nghe nhưng cũng thuộc lời
Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều bạn trẻ khi cho rằng ca khúc đầu tiên có nhiều chỗ ca từ có vẻ than vãn và trách cứ, đổ lỗi…nên không thích. Nhưng không hiểu sao cứ nghe qua một lần là cứ lẩm nhẩm theo giai điệu.
“Đúng ngay thời điểm mình đang ôn thi, ngày nào mấy chị trong phòng cũng mở, riết rồi mình cũng thuộc luôn. Nhưng mình hay mê tín một chút nên những lúc đang học mà mình lẩm nhẩm “tại sao độ ta không độ nàng”, thế là sợ đi thi mà không được độ thì tiêu”, Trần Thị Hoài Thương (sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) hài hước chia sẻ.
Rồi Thương nói: “Mình hay tin theo phật pháp nên những ca từ của bài hát này thật sự mình không thích, vì có nhiều chỗ rất bi lụy. Mình thì thích nghe phiên bản mới hơn, đặc biệt là phiên bản của ca sĩ Phương Thanh. Mình thích nhất câu là “tự thân nàng hãy cứu độ nàng”. Như thế này sẽ khiến ta không đổ lỗi hay suy nghĩ theo chiều hướng không tích cực…”.
|
Phan Thị Hoàng Dung (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế), cũng thừa nhận: “Nói thật mình cũng không thích ca từ của bài hát lời Việt bản đầu tiên. Nhưng chỉ cần nghe qua một lần là thuộc và cứ thế là nghêu ngao hát cả ngày vậy . Chắc do giai điệu êm tai quá. Nhưng mình thấy có nhiều phiên bản cover lại cũng khá hay và khá hợp nếu bạn nào có cảm giác không thích ca từ của bản đầu tiên. Mình thấy thích nghe gì cũng được, đâu cần phải tranh cãi và làm quá lên để làm gì. Quyền cá nhân của mỗi người thôi mà”.
Ca sĩ Nguyên Hân cũng thừa nhận ca khúc có giai điệu da diết, dễ nghe, chính vì thế thu hút nhiều giới trẻ.
“Đại đa số các bạn trẻ bây giờ, nghe nhạc phần nhiều là vì giai điệu, lạ tai, và tò mò theo phong trào mà không để ý nhiều đến ca từ, nên số đông thích nghe là vì vậy”, ca sĩ Nguyên Hân nói.
Tuy nhiên, Nguyên Hân cũng thừa nhận: “Độ ta không độ nàng là một ca khúc có ca từ bi luỵ, nhưng nếu để giải trí thì cũng nên nhìn nhận với góc nhìn tích cực hơn. Riêng với bản thân mình, mình cảm nhận lời bài hát giống như một lời khuyên gián tiếp dành cho giới trẻ. Cuộc sống ngày nay có nhiều cám dỗ, thử thách nếu chúng ta không vững tâm thì rất dễ dàng bị sa ngã đánh mất bản thân và hơn nữa không ai cứu lấy được mình ngoài chính bản thân. Nước xa không thể cứu được lửa gần nên trong bất kỳ tình huống nào ta hãy bình tĩnh tự mình hãy giải quyêt khó khăn trước khi nhờ người khác…”.
Bình luận (0)