Giới trẻ Việt Nam có xu hướng quan hệ tình dục sớm hơn

31/12/2021 08:18 GMT+7

Theo Bộ Y tế, một số điều tra tại Việt Nam cho thấy xu hướng giới trẻ quan hệ tình dục sớm hơn nhưng khoảng 30 - 48% chưa được đáp ứng biện pháp tránh thai.

Bộ Y tế vừa có Quyết định 5914/QĐ-BYT ngày 29.12 ban hành Đề án “Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2021 - 2025”.

Theo Bộ Y tế, kết quả điều tra quốc gia về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên Việt Nam độ tuổi 10 - 24 năm 2016 cho thấy vị thành niên, thanh niên được thụ hưởng chất lượng cuộc sống cao hơn, tiếp cận thông tin ngày càng đa dạng, dễ dàng hơn.

Sinh hoạt tình dục sớm hơn nhưng các bạn trẻ chưa được tiếp cận đầy đủ biện pháp tránh thai

tno

Hơn 90% thanh thiếu niên trong độ tuổi 10 - 24 cho biết đã trao đổi và tiếp cận thông tin thông qua các kênh hiện đại như internet, truyền hình và tin nhắn trên điện thoại di động nhưng chỉ có 1/3 số đó sử dụng internet để tìm hiểu thông tin về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục; trong khi đó, các chương trình về vấn đề này cũng chưa có đầy đủ kiến thức.

Theo một nghiên cứu điều tra năm 2017, tuổi trung bình lần đầu quan hệ tình dục của các đối tượng tham gia điều tra (lứa tuổi 14 - 24) là 18,7 tuổi, sớm hơn so với kết quả của các điều tra trước đó (19,6 tuổi, năm 2010).

Trong tổng số thanh thiếu niên tham gia cuộc điều tra, 15% cho biết có quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Vị thành niên, thanh niên Việt Nam có kiến thức chưa đầy đủ và thực hành chưa đúng về các vấn đề sức khỏe tình dục. Một nghiên cứu trên đối tượng nữ công nhân di cư ở tuổi thanh niên cho thấy tỷ lệ không sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục trong 6 tháng đến thời điểm khảo sát là 27,8%

Đáng lưu ý, kiến thức về mang thai của vị thành niên, thanh niên trong độ tuổi 10 - 24 không đầy đủ với tỷ lệ 17% trả lời đúng các câu hỏi về những ngày mà phụ nữ có khả năng thụ thai.

Trong tổng số nữ ở độ tuổi 15 - 24 từng tham gia điều tra, có 18/1.000 người đã từng phá thai (chiếm 9,2% trong tổng số những người đã từng có thai). Nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại trung bình khoảng 30% và thậm chí lên tới 48,4% đối với nữ chưa từng kết hôn ở độ tuổi 15 - 24.

Đề án chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tập trung giải quyết những vấn đề ưu tiên như: tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ thân thiện với vị thành niên, thanh niên, ưu tiên đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của vị thành niên, thanh niên.

Ít nhất 70% vị thành niên, thanh niên thuộc nhóm đối tượng ưu tiên có hiểu biết về những nội dung cơ bản trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên như: giáo dục giới tính, tình dục an toàn, các biện pháp tránh thai, mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, phòng chống các bệnh lây qua đường tình dục, phòng ngừa xâm hại và bạo lực tình dục, dự phòng phát hiện sớm ung thư đường sinh sản...

Ít nhất 80% các thầy cô giáo được cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên; 80% bậc cha mẹ hoặc người giám hộ của vị thành niên, thanh niên thuộc nhóm tuổi từ 10 - 14, nhóm vị thành niên, thanh niên khuyết tật được cung cấp thông tin về vấn đề trên.

Trong khi tuổi quan hệ tình dục đang trẻ hơn, xu hướng sinh muộn hơn được ghi nhận trong phụ nữ trẻ. Năm 1999, nhóm phụ nữ trong độ tuổi 20 - 24 có mức sinh cao nhất là 158 trẻ được sinh ra còn sống/1.000 phụ nữ. Đến năm 2009 và 2019, nhóm phụ nữ 25 - 29 tuổi mức sinh cao nhất, tương ứng là 133 và 130/1.000 phụ nữ. Xu hướng sinh muộn cũng phổ biến ở thành thị hơn ở nông thôn. (Bộ Y tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.