Học sinh thường gặp chứng hay quên

11/01/2019 13:58 GMT+7

Cứ 10 học sinh thì có đến 5 em gặp chứng hay quên... là kết quả khảo sát do em Nguyễn Ngọc Anh Thư và Phan Thùy Phương Thảo (cùng học lớp 12D2, Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thực hiện.

Kết quả trên được rút ra từ đề tài nghiên cứu "Chứng hay quên ở học sinh THPT tại TP.HCM", với 4.757 học sinh tham gia khảo sát, trong đó có 1.901 học sinh khối lớp 10 (chiếm 40%), 1.394 học sinh lớp 11 (chiếm 29,3%), 1.462 học sinh lớp 12 (chiếm 30,7%).

Xuất phát từ quan sát thực tế

 


Chia sẻ về lý do thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về hiện trạng này, Nguyễn Ngọc Anh Thư cho hay theo quan sát thực tế trong môi trường học đường, chúng em nhận ra các biểu hiện như các bạn thường xuyên quên đồ dùng học tập, quên việc định làm, quên điều định nói, quên kiến thức vừa học,... khiến cho các hoạt động bị đảo lộn. Điều đó cho thấy chứng hay quên ảnh hưởng đến cuộc sống của học sinh THPT.

 

Vì vậy, 2 thành viên của lớp 12D2 quyết định chọn nghiên cứu đề tài “Chứng hay quên ở học sinh THPT tại TP.HCM” nhằm xác định chứng đãng trí đang gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tâm thần của học sinh. Từ đó đề xuất các giải pháp, cung cấp thêm kiến thức cần thiết về chứng hay quên cho học sinh THPT.

Nhóm nghiên cứu cũng mong muốn gửi đến nhà trường, gia đình và các cá nhân lời cảnh báo kịp thời, giúp mọi người nhận ra các dấu hiệu và ảnh hưởng của chứng hay quên.

Từ những mục tiêu trên, từ tháng 8 đến tháng 11.2018, Anh Thư và Phương Thảo tiến hành khảo sát online thông qua các trang Confession của các trường THPT. Qua hình thức đó, phiếu khảo sát đã tiếp cận được 30 trường THPT. Kết quả đã thu về 4.757 câu trả lời, trong đó có 1.901 học sinh khối lớp 10 (chiếm 40%), 1.394 học sinh lớp 11 (chiếm 29,3%), 1.462 học sinh lớp 12 (chiếm 30,7%).

50,8% học sinh quên trên 3 lần/ngày

Sau khi thu thập thông tin, 2 học sinh thực hiện đề tài đã thống kê và xử lý số liệu, phân tích số liệu thu được từ bảng khảo sát và lập bảng phân tích, trực quan hóa số liệu thống kê bằng biểu đồ theo từng vấn đề. Từ đó, đưa ra nhận định về thực trạng hay quên ở học sinh THPT tại TP.HCM.

Cụ thể, theo Phan Thùy Phương Thảo, kết quả cho thấy cứ trong 10 học sinh thì có 5 em mắc chứng hay quên, trong đó có đến 50,8% học sinh xuất hiện dấu hiệu hay quên trên 3 lần/ngày. Điều này cho thấy tỷ lệ học sinh mắc chứng hay quên đang ở mức nghiêm trọng và có phần chiếm ưu thế. Cụ thể, quên trên 5 lần/ngày là một mức quên cao so với số lần quên bình thường trong ngày. Các bạn học sinh nằm trong diện quên từ 3 lần/ngày chính là đối tượng mà nhóm nghiên cứu hướng đến trong việc nghiên cứu và đề xuất giải pháp. Các bạn học sinh không quên, hay chỉ quên từ 1-2 lần/ngày không là đối tượng mà nhóm cần nghiên cứu và phân tích.

Cũng theo kết quả khảo sát, có đến 46% học sinh dành trên 11 tiếng cho việc học. Điều này sẽ khiến cho bộ não quá tải, dẫn đến việc ghi nhớ và hồi tưởng thông tin gặp khó khăn. Và  71,8% học sinh làm việc riêng trong giờ học (với mức độ trên 3 lần/tuần) có nguy cơ bị mắc chứng hay quên do não bộ không thể xử lý nhiều việc cùng lúc. Ngoài ra, các học sinh này có thể gặp vấn về sức khỏe tâm thần như áp lực, lo lắng, chán nản. Trong quá trình nghiên cứu, 2 học sinh nói trên còn nhận thấy môi trường sống bừa bộn, thiếu ngăn nắp có thể dẫn đến việc hay quên do não bộ không quen làm việc có hệ thống.

Theo thống kê, học sinh có nhận thức về ảnh hưởng của chứng hay quên đến sức khỏe tâm thần và hành vi của mình. Các ảnh hưởng như mất thời gian tìm kiếm đồ đạc, gặp khó khăn trong việc ghi nhớ và hồi tưởng, gây cản trở quá trình học tập... nhận được lượt đồng ý cao (từ 3.662 - 4.248/4757 phiếu). Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp cần thiết.

Nhóm nghiên cứu thành lập trang web lấy tên Mind Your Mind với ý nghĩa: “Hãy ghi nhớ trí nhớ của bạn”. Trang web được chia làm bốn mục chính: Blog (bài viết), Video, Nutrition (thực đơn) và Exercise (các bài luyện tập cải thiện trí nhớ).

Hay nhằm mục đích rèn luyện trí nhớ thông qua quá trình trải nghiệm thực tế, 2 học sinh còn nghiên cứu và phát triển một mô hình đồ chơi sử dụng bằng chất liệu bìa carton và được cố định bằng các đũa tre với kích thước khác nhau có tên gọi Cỗ máy trí nhớ và cẩm nang truyện tranh Trí nhớ chân kinh nhằm truyền tải thông điệp về cải thiện trí nhớ. Nhóm nghiên cứu mong muốn thông qua cuốn cẩm nang có thể nâng cao nhận thức của các bạn về vấn đề này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.