Tùng 27 tuổi, trú Q.12, TP.HCM, hiện là giám đốc hai công ty khởi nghiệp do mình sáng lập. Đồng thời, Tùng đang giữ vai trò giám đốc truyền thông của Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) và Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế WildAid tại VN.
Tùng sinh ra trong một gia đình không khá giả, bố mẹ bán nước giải khát ở H.Đạ Tẻh, Lâm Đồng. Tùng học rất giỏi, đặc biệt có năng khiếu về tin học, tiếng Anh. Năm Tùng 14 tuổi, bố mẹ anh quyết định chuyển xuống TP.HCM sống để Tùng có nhiều cơ hội phát triển hơn, dù họ phải tìm việc lại từ đầu. Mẹ anh bán rau củ ngoài chợ, bố anh xin việc trong một bến xe.
Tùng ước mơ thi đậu Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và tự tin bước vào kỳ thi năm 2009. Kết quả, Tùng trượt vì thiếu 0,5 điểm. Năm 2010, Tùng thi lại, lần này điểm thấp hơn, trượt vì thiếu những 5 điểm, Tùng sốc và mất niềm tin về bản thân. Bố mẹ Tùng động viên con trai, Tùng chọn học nguyện vọng 2 tại Trường ĐH Văn Lang. Rất nhanh, Tùng lấy lại cân bằng, xác định rõ con đường mình sẽ đi trong tương lai. Vừa học, Tùng vừa mở lớp dạy thanh nhạc, thu nhập từ lớp đủ để Tùng trang trải học phí suốt 3 năm cuối ĐH.
tin liên quan
Chương trình ĐH phải có nội dung khởi nghiệpThu nhập trong nhiều năm tích lũy được dùng làm vốn đầu tư, Tùng cho hay thay vì mua nhà hay mua xe, anh thích khởi nghiệp, dù có mạo hiểm, để tạo ra nhiều giá trị hơn cho mình và cộng đồng, không chỉ tạo ra việc làm cho nhiều người mà còn giúp xã hội tốt hơn.
Với Tùng, bí quyết thành công của anh là tự học và tiếng Anh. Hai lần trượt ĐH đã giúp anh có thêm một bài học, đó là đừng bao giờ cảm thấy bằng lòng với những gì mình có, nếu không cố gắng mỗi ngày, bạn sẽ là người thất bại.
Tiếng Anh cho Tùng nhiều cơ hội, từ việc được tham gia nhiều chương trình tập huấn dành cho các thủ lĩnh thanh niên, được làm việc trong CHANGE và giám đốc truyền thông của tổ chức này, cho đến những hợp đồng với các đối tác nước ngoài khi mở công ty riêng. Ngoài kiến thức được học ở trường, Tùng tự học và mở rộng giao tiếp với người nước ngoài.
Anh chia sẻ: “Có nhiều bạn trẻ không đậu một trường ĐH như ý, nhưng sẽ có nhiều con đường đến thành công. Bạn có thể thi lại, có thể học một trường ĐH khác, học CĐ, học nghề hoặc đi làm ngay, kể cả làm công nhân, điều đó không quan trọng. Quan trọng là bạn hãy làm điều đó tốt nhất và đặt ra những mục tiêu lớn hơn để nỗ lực, vươn tới”.
Bình luận (0)