50 năm thực hiện di chúc Hồ Chí Minh: Người trẻ được trao nhiều cơ hội

18/05/2019 07:33 GMT+7

Trước thềm hội thảo khoa học 'Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ' do T.Ư Đoàn chủ trì tổ chức, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và những trăn trở của mình về những điều mà Bác hằng mong muốn.

 

Theo đuổi đam mê và khát vọng bản thân

ẢNH: NVCC
       ẢNH: NVCC
Việc rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức và lý tưởng cách mạng cho thế hệ sau, được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem là một công việc quan trọng để tạo nên một đội ngũ kế cận cho Đảng, góp phần vào sự nghiệp chung của toàn dân tộc. Có ý kiến cho rằng thanh niên ngày nay xa rời lý tưởng cách mạng và có lối sống thực dụng hơn, nhưng theo tôi thì trong thời đại mới, lý tưởng cách mạng của thanh niên được thể hiện khác. Đó chính là sự theo đuổi đam mê và khát vọng khẳng định bản thân. Đa số các bạn trẻ đều có mục tiêu phấn đấu rõ ràng trong chuyên môn, sự nghiệp của mình. Bên cạnh đó là mong muốn cống hiến cho xã hội và cộng đồng. Nhiều bạn trẻ không chỉ sống cho bản thân mình mà luôn sẵn sàng tình nguyện vì cộng đồng với một cái tâm trong sáng...
Lưu Hữu Đức (Bí thư Chi đoàn Học viện Tài chính)

Luôn gương mẫu trong mọi việc

ẢNH: NVCC
       ẢNH: NVCC
Tôi luôn khắc sâu những lời căn dặn của Bác trong công tác của mình. Không chỉ luôn sẵn sàng tận tâm, tận lực phấn đấu vì mục tiêu của Đảng mà tôi còn luôn quán triệt thực hiện tự phê bình và phê bình.
Đối với bản thân, tôi luôn quyết tâm sửa lỗi nếu làm sai, đối với đồng nghiệp thì góp ý xây dựng để trở thành những giáo viên luôn gương mẫu, làm mực thước cho bao thế hệ học viên noi theo. Là một giáo viên của trường Đoàn, tôi đọc đi đọc lại rất nhiều lần lời dặn dò của Bác với thanh niên.
Với vai trò của mình, tôi luôn triển khai các chương trình, hoạt động cho thanh niên những bài học bình dị trong Di chúc của Người, đồng thời luôn giáo dục, nhắc nhở đến cả các em thiếu nhi về việc biết tự phê bình và phê bình để ngày càng hoàn thiện bản thân. Để tự phê bình và phê bình đúng và hiệu quả, nguyên tắc này phải được tiến hành trên cơ sở tình thương yêu, khoan dung của mỗi người.
Nguyễn Minh Hoàng Hải (Giáo viên Trường đoàn Lý Tự Trọng, TP.HCM)

Không quên những căn dặn của Bác

ẢNH: NVCC
       ẢNH: NVCC
Tôi luôn tâm niệm và không quên những căn dặn của Bác đối với cán bộ làm công tác thiếu nhi: “Nên yên tâm công tác, phải hiểu rằng không có công tác gì vẻ vang bằng việc chăm nom bồi dưỡng cho các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà. Không nên đứng núi này trông núi nọ, muốn thay đổi công tác, kèn cựa vì địa vị. Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt các cháu vùng này, vùng khác”.
Bản thân tôi với vai trò là Tổng phụ trách Đội, tôi luôn phải có trách nhiệm đối với các em nhi đồng, đội viên. Giáo dục các em thực hiện theo 5 điều Bác Hồ dạy. Giáo dục các em yêu Tổ quốc, phấn đấu trong học tập, lao động, yêu thương đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, Cháu ngoan Bác Hồ.
Trần Thái Hà (Tổng phụ trách Đội, Trường tiểu học Trần Văn Ơn, Q.Tân Bình, TP.HCM)

Phải làm được nhiều việc hơn

ẢNH: NVCC
       ẢNH: NVCC
Chúng ta đều biết, từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ - những người mang trong mình bầu nhiệt huyết, sức sống tràn trề, năng lực sáng tạo... đối với sự trường tồn của đất nước.
Trước thời cơ và những thách thức mới của cách mạng công nghiệp 4.0, thế hệ trẻ được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Thực tế những năm qua người trẻ đã được Đảng, Nhà nước tạo rất nhiều điều kiện và trao rất nhiều cơ hội để phát triển trong học tập và nghiên cứu khoa học. Có thể nói, chưa bao giờ người trẻ có cơ hội, được tạo điều kiện nhiều đến thế.
Trong xu thế đó, nhiều bạn trẻ đã biết nắm bắt cơ hội để vươn lên khẳng định bản thân và sức mạnh của dân tộc. Tuy nhiên, công tác trong lĩnh vực giáo dục, tôi nhận thấy còn có những thanh niên chưa chủ động trong học tập, thực hành, nghiên cứu khoa học. Trong khi sinh viên các nước rất chủ động trong học tập, họ tự đi làm thêm để trang trải cuộc sống, tích lũy kinh nghiệm; chủ động sáng tạo trong học tập, nghiên cứu, thì nhiều bạn trẻ VN còn ỷ lại. Nhiều bạn trẻ chưa chịu trau dồi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Rất nhiều bạn thiếu những định hướng nghề nghiệp, định hướng học tập, nghiên cứu nên dẫn tới nhiều hệ quả xấu không chỉ cho cá nhân mà cho cả xã hội…
Nghiên cứu sinh Đỗ Nam Khánh (Bí thư Đoàn Trường ĐH Y Hà Nội)
Hơn 300 bài tham luận về Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh
Từ ngày 18 - 19.5, tại Hà Nội diễn ra hội thảo “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”, do T.Ư Đoàn chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 18.5, hội thảo sẽ có 3 phiên chuyên đề, gồm: Phiên chuyên đề 1: “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”; Phiên chuyên đề 2: “Phong trào hành động cách mạng - môi trường thực tiễn sinh động để đào tạo, bồi dưỡng thanh niên theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”; Phiên chuyên đề 3: “Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên” và việc rèn luyện lề lối, tác phong cán bộ Đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Phiên toàn thể hội thảo diễn ra lúc 8 giờ ngày 19.5 tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN. Ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng từ các nhà khoa học, các nhà quản lý, những người hoạt động thực tiễn, các tỉnh, thành đoàn và Đoàn trực thuộc, cán bộ Đoàn gửi tới 160 bài tham luận khoa học và trên 169 bài tham luận của đoàn viên, thanh niên cả nước.
Vũ Thơ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.