Chẳng ai không cần tiền!?
Danh hài Vinh râu của nhóm FAP TV cho biết, quan điểm cá nhân anh: “Nhiều tiền để củng cố hạnh phúc, tôi thấy ai cũng cần nhiều tiền để mình hạnh phúc hơn, nhưng chữ 'nhiều' mang tính tương đối, không có một cái khuôn với tất cả mọi người”.
“Ví dụ, đối với một gia đình công nhân thì họ thấy 1 tháng 20 triệu đồng là quá nhiều; với một ông ăn xin, một ngày xin được 200.000 đồng, ông đó thấy vậy là nhiều, vì ăn sáng, trưa, chiều tối vẫn còn dư vài chục đến 100.000. Ông vui vẻ, hài lòng với cuộc sống đó. Nhưng người giàu có nhìn thấy thế ổng bảo: gớm, ông này lạc quan nhỉ, 200.000 một ngày mà đã tươi roi rói. Nhìn chung, tôi thấy xung quanh mình, ai cũng cần nhiều tiền để hạnh phúc. Quan trọng, đối với họ, thế nào là 'nhiều'. Có những người kiếm một tháng bạc tỉ vẫn chưa thấy đủ”, danh hài triệu view cho hay.
Nguyễn Thị Nhung, 27 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đang làm việc tại tòa nhà Toong, 126 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, bày tỏ: “Có nhiều tiền để đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống, kể cả vật chất lẫn tinh thần. Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận không có tiền cuộc sống sẽ rất khó khăn về nhiều mặt. Một gia đình vẫn có thể hạnh phúc khi thiếu tiền nếu họ biết yêu thương nhau, nhưng có tiền họ sẽ đảm bảo được những yêu cầu cao hơn cho một cuộc sống tốt hơn, như cho con cái được thụ hưởng những giá trị của thời đại như giáo dục, y tế...
|
Nhiều tiền có mua được hạnh phúc?
Cây bút Jesse Peterson thì một mực cho rằng tiền chỉ là công cụ, chứ không thể làm thay mọi thứ trong cuộc sống của bạn. “Tiền nhuận bút viết sách, báo giúp tôi ăn uống, thuê nhà hằng tháng. Tiền cũng giúp tôi tập trung tập nhiều kỹ năng, phát triển bản thân, phát triển cộng đồng xung quanh mình nữa. Nhưng hạnh phúc là theo hoóc môn serotonin, mình có nó khi mình được nhiều bạn bè thích minh, khi nhiều người tôn trọng mình, khi mình thấy được tự tin vì những khả năng của mình có, chứ không hẳn là khi tài khoản mình nhiều tiền. Bây giờ tôi chỉ còn 20.000 đồng trong ví nhưng tôi cũng vui”, Jesse Peterson dẫn chứng.
Theo danh hài Vinh râu, mấu chốt để cân bằng giữa việc kiếm tiền và duy trì hạnh phúc, đó là đặt yếu tố hạnh phúc lên hàng đầu: “Ví dụ tôi thấy xung quanh người ta mua xe hơi, mua trang sức cho vợ mà để vợ vui, thì tôi cũng thấy bình thường, vì ai mà không muốn cho vợ mình đầy đủ nhất. Nhưng mình kiếm được bao nhiêu, thì mình lo cho vợ mình bấy nhiêu, và đối xử với vợ sao để vợ cảm thấy vui nhất. Rõ ràng là hạnh phúc không mua được bằng tiền, nhưng tiền sẽ vun đắp cho hạnh phúc ghê gớm lắm. Ví dụ, vợ chồng chúng tôi mới đi du lịch ở Indonesia, vừa bị đụng xe, bị gạt tiền, mất điện thoại, nếu chúng tôi không dư giả tiền, khó có thể lạc quan mà vui cười được”.
Còn với bạn trẻ Nguyễn Thị Nhung: "Đồng tiền phát huy mặt sáng với vai trò là một công cụ. Mặt khác, nhiều tiền mà không biết quý trọng những giá trị phi vật chất khác thì sẽ khiến đồng tiền 'phát huy' mặt tối của nó. Có nhiều gia đình phải trả giá vì nghĩ rằng có tiền cho con đi học đủ thứ, thuê người giúp việc lo hết mọi điều là được. Con người chúng ta như đã nói cần được đáp ứng cả nhu cầu vật chất lẫn tinh thần. Có những giá trị nếu mai một đi sẽ chẳng thể nào lấy lại. Từng có một câu chuyện rất đau lòng ở không xa nơi tôi sống. Một cậu con trai sống trong tiền tài, nhung lụa của ba mẹ, chỉ cần nói là ba mẹ đưa tiền cho tiêu xài. Đến một ngày gia đình vỡ nợ, cậu con trai 15 tuổi xin khoản tiền triệu mà trước đây chỉ cần nói là có, nay ba mẹ không có và la mắng con, chỉ sau một đêm, cậu con trai tự kết liễu cuộc đời mình”.
Không vì tiền mà bất chấp mọi thứ
Nhà văn trẻ Gari Nguyễn nêu quan điểm: "Có nhiều tiền thì sẽ phục vụ cho đam mê của bản thân được tốt hơn. Tiền là công cụ để mình có thể phục vụ cho những ước mơ, duy trì cuộc sống của bản thân và những người khác. Tuy nhiên, tôi không ủng hộ vì tiền mà bất chấp mọi thứ để có tiền, nhiều người "bán thân",, bùa ngải... để lại rất nhiều hậu họa về sau".
|
Bình luận (0)