Bữa cơm gia đình

17/11/2018 18:36 GMT+7

Em tôi, sinh viên năm 3 một trường ĐH ở Hà Nội nhắn tin than thở: 'Thành phố mệt quá chị ơi. Thèm một bữa cơm gia đình , thèm được ngủ dậy muộn, được nghe mẹ mắng, nhưng vẫn an yên…'.

À, thì đó là một niềm ước ao rất bình dị nhưng cũng lớn lao trong bất cứ cuộc đời ai. Kể cả vài năm nữa, khi em đã lớn khôn, có bay xa đi đến bất cứ bầu trời nào, em có giàu có hơn, tìm được một nửa kia, thì bữa cơm gia đình vẫn là một ước mong giữa muôn vàn lựa chọn.
Bữa cơm gia đình, chỉ một khoảnh khắc rất bình dị trong một ngày rất bình thường, đôi khi chúng ta quên đi và thấy nó thật rắc rối, phiền toái, nhưng nó lại là sợi dây gắn kết tất cả các thành viên trong gia đình lại với nhau. Trong bữa cơm gia đình, ta được nghe cha chia sẻ, mẹ chuyện trò, con hỏi những câu “vì sao”…, là lúc mọi lo toan nằm ngoài cánh cửa, những muộn phiền gác lại sau lưng.
“Vậy nên cả tuần có bận bịu như thế nào, chị cũng cố duy trì những bữa cơm tối đầy đủ gia đình. Ban ngày mọi người có thể ăn ở ngoài, nhưng tối ngồi lại cùng nhau. Thử nghĩ mà xem, sáng ra ai cũng vội vàng chạy đến trường, đến cơ quan, trưa thì ăn vội rồi làm tiếp, nếu bữa cơm tối còn không ngồi cạnh nhau thì cả ngày có khi mọi người trong một gia đình không thấy mặt nhau”, Trương Phương Thảo, 35 tuổi, làm kế toán tại một nhà hàng, đường An Dương Vương, Q.5, TP.HCM, nói với tôi.
Căn bếp là trái tim của mỗi ngôi nhà Jell Thương
Liệu có phải chỉ phụ nữ mới quan tâm tới bữa cơm gia đình? Không hề, một lần, tôi lắng nghe được tâm sự của một ông bố 42 tuổi, có 2 con trai, làm nhân viên văn phòng, trú đường Hùng Vương, Q.5, TP.HCM: “Tôi bận bịu cả ngày, nếu không có những lúc như chở các con đi học, ngồi ăn cơm cùng con, chẳng biết nói chuyện được với con lúc nào. Trẻ con rất nhạy cảm, mình yêu thương con, quan tâm con là từ những cuộc trò chuyện đời thường, như trong bữa cơm hỏi về cô bé mà con quan tâm, trêu đùa con đã mua quà sinh nhật cho bạn đó chưa… thế cũng đủ khiến con vui”.
“Đừng chọn bữa cơm mà la mắng con, hỏi về điểm xấu, tra hỏi chồng, quát mắng vợ, trời đánh còn tránh miếng ăn mà. Nói về chuyện vui thôi…”, đấy là chia sẻ của anh Phạm Cao Sơn, HLV, Trưởng bộ môn bắn súng Hải Phòng, người đàn ông tâm lý, luôn nghĩ về vợ và con trước khi nói tới bản thân mình.
Cuộc sống hối hả, cuốn mọi người vào những vòng xoay bất tận, “fast food” có tiện lợi và nhanh chóng như thế nào, thì cũng chỉ là một món ăn tạm khi đói bụng, chẳng thể nào thay thế những bữa cơm nóng sốt, dù không hoàn hảo của mẹ, của cha trong căn bếp. Tôi nói chuyện với nhiều du học sinh, điều khao khát nhớ nhung của họ, giữa xứ người, đó là một bữa cơm có cả gia đình.
Mới đây, một workshop của những bạn trẻ TP.HCM trong một không gian cà phê ấm cúng khiến chúng tôi rung động: “Kết nối gia đình”. Các bạn trẻ nói với nhau những thông điệp để làm cho căn nhà của mỗi người thực sự trở thành mái ấm: nói với mẹ một lời cảm ơn, tặng cho cha một món quà, vợ chồng đi dạo uống cà phê, nấu cùng nhau một bữa ăn để có thể kể cho nhau những câu chuyện vui… Nhà thì có nhiều, mái ấm chỉ có một. Và trong đó, căn bếp phải là nơi ngọn lửa ấm nuôi dưỡng những trái tim khôn lớn, khơi dậy những tình cảm lâu ngày phai nhạt…
Hôm nay là cuối tuần, nhà bạn đã nấu cơm chưa?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.