Nhiều kênh YouTube bị tẩy chay, "bốc hơi"
Được biết đến như một kênh YouTube dành cho trẻ em có số lượng người đăng ký lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, kênh YouTube Thơ Nguyễn vừa qua đã hứng chịu làn sóng tẩy chai mạnh mẽ từ cộng đồng vì những clip không phù hợp với trẻ em.
Tối 15.3, kênh YouTube Thơ Nguyễn đã đăng tải một đoạn video clip có tựa đề “tạm biệt” kèm theo đã ẩn các clip trên mạng xã hội, đồng thời tắt chức năng kiếm tiền trên YouTube.
Hôm 16.3, Thanh tra Sở TT-TT Bình Dương làm việc với YouTuber Thơ Nguyễn, xác định việc đăng tải clip “xin vía học giỏi” lên mạng xã hội đã vi phạm về cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy mê tín dị đoan nên ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng.
Trước đó không lâu, một số kênh YouTube như Hưng Vlog, Hưng Troll… cũng bị xử phạt hành chính vì liên quan đến một số nội dung đăng tải được cho là phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục.
Những kênh này bị cộng đồng phản ứng mạnh mẽ khi đã đăng tải nội dung nhảm nhí, những trò đùa đi quá giới hạn đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật. Cụ thể như: “Nấu cháo gà nguyên lông, nhốt em gái vào chuồng chó hay chỉ cách trộm tiền đi ăn chơi” vấp phải sự phản ứng mạnh từ cộng đồng. Lập tức Sở Thông tin Truyền thông Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng đối với Nguyễn Văn Hưng - chủ kênh Hưng Troll và Hưng Vlog. Bên cạnh đó còn tiếp tục xử phạt 10 triệu đồng với clip: “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết”.
|
Hoạt động trở lại với lượt đăng ký "khủng"
Kênh YouTube Hưng Troll và Hưng Vlog thời điểm đó cũng bị “bốc hơi” và không tìm thấy dấu vết sau bị xử phạt. Ngày 9.10.2020, khi truy cập vào các đường dẫn đến video trên kênh Hưng Troll, chỉ còn lại dòng thông báo: “Kênh này không khả dụng”.
Tuy vậy, ở thời điểm này, 2 kênh nói trên đã hoạt động trở lại. Các video clip gây sốc lần trước cũng không còn xuất hiện trên kênh. Hiện tại kênh Hưng Troll đã đạt hơn 772.000 lượt đăng ký và hơn 234 triệu lượt xem.
Còn kênh Hưng Vlog, sau khi mở trở lại từ con số 500.000 lượt đăng ký, hiện nay đã tăng hơn 3 triệu lượt đăng ký và hơn 605 triệu lượt xem.
|
Luật chỉ buộc gỡ bỏ nội dung sai phạm
Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hiện tại luật Việt Nam đã có điều chỉnh tới mối quan hệ giữa nền tảng mạng xã hội nước ngoài và người làm nội dung, vì đối tượng bị xử phạt là rất rộng có thể là tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Nhưng trên thực tế các mạng xã hội như YouTube từng để cho người đăng nội dung vi phạm pháp luật (hay phản cảm) thì các cơ quan chức năng Việt Nam thường chỉ xử lý theo các văn bản luật quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người đăng tải nội dung vi phạm.
Việc kênh hoặc người sáng tạo nội dung có tiếp tục được đăng tải trên các nền tảng sau khi bị cơ quan chức năng xử phạt hay không đó là thoả thuận hoặc quy định giữa chủ thể đó (ví dụ như Thơ Nguyễn với nền tảng mạng xã hội YouTube).
Thường khi người dùng chấp nhận quy định ban đầu khi tạo tài khoản để dùng đã có các cam kết, quy định, chế tài giữa hai bên. Việc không cho đăng tải tiếp tục nội dung hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn, vĩnh viễn đều do những nền tảng đó quyết định. Hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội sẽ bị xử lý theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo đó đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc… thì có thể bị phạt tiền và áp dụng Biện pháp khắc phục hậu quả như là: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định.
“Luật chỉ quy định buộc gỡ bỏ nội dung sai phạm đó, còn việc chủ các tài khoản sử dụng dịch vụ mạng xã hội, YouTube từng bị xử phạt vẫn có thể tiếp tục đăng tải những nội dung mới, miễn sao nội dung đó không vi phạm pháp luật”, luật sư Nhật cho biết.
Bình luận (0)