Tình nguyện viên hai tháng không về nhà
Từ ngày 23.8 đến nay, TP.HCM đã triển khai hình thức “đi chợ hộ” để bảo đảm an toàn cho người dân trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19. Sau gần 3 tuần thực hiện chỉ thị “ai ở đâu thì ở đó”, dịch vụ “đi chợ hộ” cũng dần được cải thiện sau khi có sự hỗ trợ từ hơn 20.000 shipper và các cơ sở kinh doanh.
Mới đầu, dịch vụ “đi chợ hộ” đã khiến một vài người bức xúc vì những vấn đề như giao hàng lâu, giao thiếu hàng, thực phẩm không tươi ngon…tuy nhiên, các bạn trẻ thuộc đội ngũ “đi chợ hộ” vẫn luôn cố gắng cải thiện để cung cấp thực phẩm đến tay người dân.
Tấn Phi, sinh viên Học viện Cán bộ, TP.HCM, chia sẻ: “Có những ngày lên đến 300 đơn hàng nhưng lực lượng tụi mình chỉ có khoảng 15 người nên không tránh được trường hợp giao chậm. Nhiều món đồ trong đơn hàng đặt thì siêu thị lại không bán, thực phẩm có khi không chất lượng thì mình cũng rất là bất lực. Đôi khi gặp người hay nặng lời thì mình cũng phải làm quen với điều đó”. Nằm trong lực lượng chống dịch của địa phương, đã hai tháng Phi không về nhà để tập trung hỗ trợ ở nhiều hoạt động tình nguyện chống dịch khác nhau.
Quỳnh Anh, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, cho biết kể từ khi tham gia vào đội ngũ “đi chợ hộ”, bạn không được về nhà để đảm bảo an toàn cho gia đình. Trong quá trình tình nguyện, tỷ lệ tiếp xúc với các F0 trong cộng đồng là vô cùng cao, Quỳnh Anh cũng được tiêm phòng đầy đủ 2 mũi vắc xin. Tuy nhiều lúc “chạy” quên thời gian, đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về nơi sinh hoạt chung để nghỉ ngơi, Quỳnh Anh vẫn có nhiều kỷ niệm khi tham gia cùng những tình nguyện viên trẻ tuổi khác.
|
Thời gian tình nguyện này đã giúp các bạn trẻ học hỏi thêm nhiều điều. Học cách trưởng thành, tự lập hơn khi không ở cùng ba mẹ.
Dốc sức cho các hoạt động hỗ trợ, song các bạn tình nguyện viên cũng không quên chú tâm việc học. Đôi lúc, các bạn cũng gặp khó khăn để sắp xếp thời gian giữa việc tình nguyện và học tập trên trường, như trùng ca làm việc với giờ đến lớp, gặp trục trặc nên không về kịp giờ học. Hay thậm chí là thiếu thiết bị, dụng cụ học tập khi bị kẹt ở khu vực “đỏ” như trường hợp của Đặng Thị Thơm, sinh viên năm nhất Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM. Do trong quá trình tình nguyện, hỗ trợ cho mô hình “Bếp 0 đồng” tại quận Bình Tân, Thơm đã bị kẹt ở đây khi có lệnh phong toả trong khi nhà ở tận Củ Chi.
|
“Lúc đầu mình cũng khá hoảng hốt, do nhà mình rất xa, ở ngoại thành thành phố nên cũng khó để vận chuyển thiết bị, học cụ. Sau đó, mình đã nghĩ ra cách “kêu cứu” trên mạng xã hội để hỏi mượn của những bạn gần đây”, Thơm chia sẻ.
Ngoài ra, một nỗi băn khoăn lớn nhất đối với Thơm và các bạn tình nguyện viên khác nữa đó chính là gia đình. Phải làm sao mới được ba mẹ tin tưởng, đồng ý và ủng hộ để có thể tham gia vào đội ngũ phòng chống dịch bệnh không phải là chuyện đơn giản. Vì thế, hầu hết các “chiến binh” nhỏ tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ và luôn được trang bị quần áo bảo hộ. Bản thân các tình nguyện viên cũng tự ý thức trong việc khử khuẩn, giữ khoảng cách trong quá trình “lăn xả”. Ngoài ra chế độ ăn uống cũng được các bạn chú ý, không lơ là bỏ bữa để tránh dẫn đến trường hợp kiệt sức.
Hoạt động tình nguyện là một trong những “gia vị” không thể thiếu giúp tuổi trẻ mỗi người trở nên ý nghĩa và nhiều màu sắc hơn. Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, càng cần những người trẻ góp sức tình nguyện để không ai bị bỏ lại phía sau.
Bình luận (0)