Cấm 'Lon Việt Nam' gây hệ lụy lớn là liên tưởng méo mó về ngôn ngữ

29/06/2019 21:41 GMT+7

Theo các bạn trẻ, nhà ngôn ngữ, luật sư, chuyên gia thương hiệu, việc cấm quảng cáo chữ 'Lon Việt Nam' thậm chí sẽ gây ra tác dụng ngược.

Nghĩa ngoài ngôn ngữ

Tiến sĩ Hồ Xuân Mai, Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp có quyền khởi kiện. Nghĩa suy diễn của từ "mở lon" mà cơ quan quản lý quan niệm không nằm trong bản thân từ đó. Đó chỉ là sự liên tưởng, và sự liên tưởng này là nghĩa ngoài ngôn ngữ. Việc liên tưởng là của xã hội, nằm ngoài ngôn ngữ. Còn quy nạp như vậy là sai. 


Theo luật sư Nguyễn Đăng Thanh, Đoàn luật sư TP.HCM, nghĩa đen của từ này vẫn như vậy, không có nghĩa gì bậy vạ. Cấm là không đúng. Doanh nghiệp cũng xin phép và được cấp phép. Không vi phạm thuần phong mỹ tục. Cơ quan quản lý xử phạt phải chứng minh được vi phạm chỗ nào. Với quyết định như vậy, doanh nghiệp có thể khởi kiện. Trong quyết định xử phạt thường có kèm theo quyền khởi kiện, khiếu nại đối với người bị phạt.

Theo một số từ điển tiếng Việi, từ "lon" được ghi nhận 6 nghĩa, trong đó nghĩa từ "lon" trong trường hợp này mang nghĩa là vật đong (ống bơ). Trong 6 nghĩa này, cũng không có nghĩa nào có thể dùng với hàm ý xuyên tạc. 

Nhà văn Thục Linh cho rằng: "Nếu cơ quan quản lý không muốn Việt Nam - với tư cách tên một quốc gia, gắn sau bất cứ một câu quảng cáo nào - thì nên có luật riêng. Tức nói "ly Việt Nam", "chai Việt Nam", "chén Việt Nam", "tô Việt Nam", "bình Việt Nam"... thì được, nhưng "lon Việt Nam" thì không. Chúng ta không kỳ thị ngôn ngữ, và chúng ta không cần quay lại thời kỳ kỵ húy". 

Méo mó về tiếng Việt

Theo ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, Phó Giám đốc Isobar Việt Nam, nếu phân tích, doanh nghiệp có 2 điều được. Một là dư luận nhắc nhiều, bàn tán nhiều. Điều được thứ 2 là tình cờ, dư luận sẽ đẩy cơ quan nhà nước vào tình thế khó xử. Doanh nghiệp sẽ bị cơ quan quản lý ác cảm.

"Thương hiệu doanh nghiệp tình cờ lại được nhiều hơn từ một sự cố đến từ cơ quan quản lý về mặt văn hóa. Tuy nhiên, có một điều quan trọng. Hệ lụy lớn hơn là sự méo mó về tiếng Việt. Trước đó, những người hiểu tiếng Việt không ai nghĩa từ này nghĩa xấu. Nhưng xử phạt xong mọi người lại hiểu thành nghĩa xấu. Việc xử phạt này tình cờ làm méo mó tiếng Việt", ông Thành cho biết. 

Ở góc nhìn khác, bà Bùi Hoàng Diệp, Giám đốc công ty Lion Bui, chuyên về thương hiệu cá nhân và tổ chức, cho rằng cá nhân bà cho rằng từ “mở lon” không có gì vi phạm thuần phong mỹ tục. Nhưng thay vì "mở lon Việt Nam" có thể được hiểu là "mở lon Coca Cola tại Việt Nam" thì sẽ khiến cho người dùng giảm đi sự suy diễn phong phú vốn có trong từ ngữ Việt Nam. Đáng lẽ Coca Cola Việt Nam phải hiểu được rủi ro trong vấn đề nhạy cảm khi đi cùng một danh từ lớn là Việt Nam như thế. Điều này cũng rất dễ khiến một số thành phần người trẻ sáng tạo sẽ đưa ra giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó... 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.