Cẩn thận kẻo sập bẫy lừa tiền giả trên Facebook

06/06/2018 13:45 GMT+7

Những bẫy lừa tiền giả được người xấu tạo ra ngày càng nhiều trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Nếu không cẩn thận sẽ rơi vào tình cảnh 'tiền mất tật mang'.

Rao bán tiền giả công khai
Chỉ cần tìm kiếm "tiền giả" trên Facebook, sẽ xuất hiện vô số bài viết rao bán tiền giả của các thành viên. Những bài viết này không chỉ trên các trang cá nhân mà còn xuất hiện nhiều trên các hội, nhóm.
Để câu kéo khách hàng, những người này rao đó là "tiền giả uy tín, chất lượng, giống tiền thật đến 97, 98%". 
Chưa kể, những người rao bán còn khẳng định chắc nịch: "Tiền giả này có thể tiêu thoải mái ở mọi nơi như: chợ, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng điện thoại, cửa hàng mỹ phẩm... mà không lo bị phát hiện. Tiền chỉ có thể bị phát hiện khi được soi, chứ mắt thường không bao giờ nhận diện được".
Người viết liên hệ với tài khoản A.Q., A.Q. chèo kéo: "Mua số lượng nhiều nhiều mà sử dụng đi bạn ơi. Bên mình làm ăn uy tín cả 4 năm nay, khách nào cũng vừa lòng. Có người mua cả vài trăm triệu. Bạn yên tâm là tiền này khó bị phát hiện lắm. Tiền này mình nhập từ Thái Lan đó".
A.Q. cũng quảng cáo thêm: "Có đủ loại tiền cho bạn lựa chọn như mệnh giá 50.000, 100.000, 200.000, 500.000... muốn mua loại nào cũng có".
Những tài khoản rao bán tiền giả công khai xuất hiện nhiều trên Facebook ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
 
Được biết, tiền giả có chung giá giao dịch là 1 triệu tiền thật sẽ mua được 10 triệu tiền giả. 
Khi hỏi về cách giao dịch, tài khoản L.K. hướng dẫn: "Chỉ cần để lại tên, số điện thoại và địa chỉ. Chỉ sau vài giờ đồng hồ là sẽ nhận được 'hàng' (tiền giả - NV) qua dịch vụ chuyển phát nhanh".
Người viết yêu cầu được giao dịch trực tiếp, thế nhưng L.K. từ chối: "Dù tôi cũng ở TP.HCM nhưng làm ăn 'hàng cấm' này không thể lộ diện được".
L.K. cũng yêu cầu: "Nếu muốn mua tiền giả, phải nộp trước 50%". Nghĩa là muốn mua 10 triệu tiền giả, giá 1 triệu tiền thật, người mua bắt buộc phải nộp trước 500.000 đồng. 
Theo tìm hiểu của người viết, tùy nơi sẽ có những yêu cầu trong việc đặt cọc khác nhau. Có nơi yêu cầu người mua chuyển 70%, có nơi bắt buộc phải chuyển đủ 100% mới giao "hàng".
Và tiền đặt cọc được quy đổi thành... thẻ cào điện thoại, hoặc chuyển tiền qua ứng dụng MoMo. Chúng tôi yêu cầu được chuyển tiền qua ngân hàng thì L.K. nói: "Không được, tôi không đưa số tài khoản ngân hàng được, chỉ chuyển bằng thẻ cào điện thoại hoặc MoMo thôi. Bên tôi, khách hàng thường chuyển bằng thẻ cào nhiều hơn".
L.K. cũng khoe vô số tin nhắn được khách hàng chụp ảnh thẻ cào điện thoại gởi qua tài khoản Facebook của mình, cũng như những tin nhắn "giao dịch thành công"... nhằm chèo kéo. 
"Toàn lừa đảo cả thôi"

H.V.T đang là công nhân của một công ty ở TX.Bến Cát (Bình Dương) cho biết cách đây 2 tháng, vì nghèo túng, nợ nần nhiều nên quẫn trí và quyết định tìm mua tiền giả. "Vô Facebook, tìm kiếm, thấy có nhiều nơi bán nên quyết định liên hệ mua. Mình mua 40 triệu tiền giả và tốn 4 triệu tiền thật. Kẻ đó (người rao bán tiền giả - NV) yêu cầu đặt cọc 70% là 2,8 triệu đồng. Mình vội mua thẻ cào điện thoại và chụp rồi chuyển qua. Ngay sau đó, kẻ ấy đã chặn Facebook của mình, không thể nào liên lạc được. Vậy là "đã nghèo còn gặp cái eo", đã nợ nần mà còn mất thêm 2,8 triệu đồng", T. than thở.
Không riêng T., nhiều người đã trở thành nạn nhân của chiêu lừa bán tiền giả trên Facebook. N.T.T, công nhân khu công nghiệp Tân Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) khẳng định: "Toàn là lừa đảo cả thôi".
Bản thân N.T.T đã từng liên hệ mua 20 triệu đồng tiền giả với giá 2 triệu đồng. Sau đó vì tin lời nên cung cấp tên, số điện thoại, địa chỉ nhà cho kẻ rao bán, cũng như chuyển qua số thẻ cào điện thoại trị giá 1 triệu đồng. Thế nhưng mình đã không nhận được 'hàng'. Mình nhắn tin hỏi thì kẻ đó ngang nhiên nói "mày bị lừa rồi".  
Tương tự, tài khoản Facebook T.H cũng kể lại đã bị lừa 2 triệu đồng. "Mình đã chuyển qua dịch vụ MoMo cho kẻ rao bán tiền giả. Nào ngờ sau đó họ chặn Facebook của mình. Mình lập tài khoản Facebook khác để liên hệ cũng bị chặn tiếp".
T.H. cho rằng: "Đừng bao giờ tin những dịch vụ rao bán tiền giả trên Facebook kẻo mất tiền oan".
 N.T.T thì nói: "Những tài khoản rao bán tiền giả thường là những tài khoản ảo, chỉ đăng hình là những cọc tiền lớn, những hợp đồng giao dịch thành công... để tạo lòng tin của mọi người. Rồi khi nhắn tin, họ luôn hối thúc phải chuyển thẻ cào cho họ, họ cho là không có thời gian để trò chuyện vì bận tiếp nhiều khách... Tuy nhiên đó đều là giả mạo. Tuyệt đối nói không với việc mua bán tiền giả, đừng vì hám lợi mà bị sụp bẫy lừa, vi phạm pháp luật".
Theo luật sư Nguyễn Hoài Tâm (TP.HCM), thì hành vi mua bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn nhỏ, đều có thể bị xử lý hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả theo điều Điều 180, Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, với hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.